Ngày 28/3, tiến sĩ Huỳnh Công Tú - Phó phòng Đào tạo Đại học Quy Nhơn (Bình Định) cho biết, mùa tuyển sinh 2019 - 2020, trường mở thêm nhiều chuyên ngành mới như Robotic và IoT (Internet of Things - Internet vạn vật), Kỹ thuật điện tử - máy tính, Kỹ thuật viễn thông (thuộc ngành Kỹ thuật điện tử - Viễn thông) và Khoa học dữ liệu (Data Science) và Toán - Tin ứng dụng (thuộc ngành Toán ứng dụng).
"Để chuẩn bị mở các chuyên ngành này, trường cử nhiều giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài, đã về nước hoặc sắp hoàn thành bảo vệ luận án về trường giảng dạy", ông Tú nói.
Với Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành ICISE đầu tiên ở Việt Nam được khánh thành năm 2013, Bình Định đã trở thành điểm hẹn của các nhà khoa học danh tiếng thế giới.
Cùng với đó, Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa đang trong quá trình hình thành đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ, điện tử, viễn thông. Nơi đây được kỳ vọng trở thành "Thung lũng Silicon" của Việt Nam. Do đó, nhu cầu nhân sự trong các lĩnh vực này là rất lớn.
Tiến sĩ Tú cho biết, trường đã hợp tác với các đối tác lớn như FPT Software, TMA Solutions trong việc đào tạo và tuyển dụng nhân sự.
Riêng Dự án Công viên Sáng tạo TMA ở khu Đô thị khoa học và Giáo dục Quy Hòa dự kiến cần khoảng 3.000 kỹ sư khi đi vào hoạt động. Bên cạnh việc thu hút các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước, TMA sẽ ưu tiên tiếp nhận sinh viên Đại học Quy Nhơn cũng như các đại học miền Trung đến thực tập và làm việc.
Tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND Bình Định Hồ Quốc Dũng đã làm việc với ông Hoàng Nam Tiến - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Software về kế hoạch đầu tư tại Bình Định. Đại diện FPT Sofware cho biết, sẽ tập trung chất lượng đầu vào của nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ dữ liệu lớn, Internet vạn vật... cho FPT Quy Nhơn. Theo kế hoạch, năm nay FPT Quy Nhơn sẽ tuyển 500 nhân viên, kỹ thuật viên hoạt động.
Năm học 2019-2020, Đại học Quy Nhơn dự kiến tuyển 4.600 sinh viên, cao hơn năm ngoái 162 chỉ tiêu, theo ba phương thức là xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia, xét tuyển học bạ THPT và xét tuyển thẳng. Nhà trường tuyển hai ngành đào tạo mới gồm: Kiểm toán và Kỹ thuật xây dựng, nâng tổng số ngành ngành đào tạo đại học hệ chính quy lên 44 ngành.
Ngoài ra, trường còn mở một số chuyên ngành mới như: Quản lý thị trường bất động sản, Quản lý đô thị (thuộc ngành Quản lý đất đai), Biến đổi khí hậu, Quản lý tài nguyên môi trường biển (thuộc ngành Quản lý tài nguyên và môi trường).
Bên cạnh đó, trường đầu tư phòng thực hành lưới điện thông minh trị giá 30 tỷ đồng phục vụ đào tạo các ngành Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử-viễn thông. Đây là phòng thí nghiệm lưới điện thông minh hàng đầu được trang bị cho các trường đại học có đào tạo khối ngành kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay.