Thông tin được PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó ban Đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM nói tại tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia góp ý về chương trình đào tạo, nghiên cứu tiên tiến về thiết kế vi mạch giai đoạn 5 năm tới, sáng 12/7. Chương trình được thiết kế ở bậc đại học và sau đại học, thí điểm đào tạo tại các trường thành viên.
Khung chương trình sẽ có các khóa đào tạo chuyên sâu và cấp tốc về thiết kế vi mạch và hợp tác với doanh nghiệp. Kỹ sư tốt nghiệp có thể được cấp chứng chỉ quốc tế để đi làm hoặc có thể học tiếp lên bậc sau đại học.
Tuy nhiên, PGS Hà nhìn nhận việc đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch sẽ đối mặt với các thách thức về kinh nghiệm triển khai, khó khăn về cơ sở vật chất, chưa có chương trình riêng. Ông mong muốn chương trình sẽ thu hút chuyên gia quốc tế, người Việt ở nước ngoài về nước nhằm xây dựng lực lượng giáo viên, các nhóm nghiên cứu mạnh, liên minh hợp tác trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Ông cho biết, đề án đào tạo sẽ hoàn thiện và trình Hội đồng Đại học Quốc gia TP HCM trong tháng 7, sau đó trình Chính phủ.
TS Huỳnh Phú Minh Cường, Phó khoa Điện - điện tử, Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) nhận định, ngành vi mạch trong nước cần khoảng 1.000 kỹ sư mỗi năm trong giai đoạn tới. Tuy nhiên trong nước hiện không có nhiều nhân lực chuyên làm công đoạn sản xuất, thiết kế vi mạch cũng như chưa có nhiều sản phẩm mẫu, sản phẩm thương mại hóa về vi mạch. Ông cho rằng, vẫn còn khoảng trống trong đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu doanh nghiệp.
TS Cường mong muốn có nhiều tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ bản quyền thiết kế, thiết bị phục vụ nghiên cứu vi mạch. Các tổ chức này cũng đóng vai trò định hướng các nhóm nghiên cứu, khởi nghiệp. "Đại học Quốc gia TP HCM cần xây dựng phòng lab nghiên cứu thiết kế vi mạch cung cấp cho các nghiên cứu của trường thành viên", ông đề xuất.
Đồng tình, GS Lee Hyuk Jae, Trưởng khoa điện và kỹ thuật máy tính, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc) cho rằng, các doanh nghiệp vi mạch hiện cạnh tranh nhau về số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao và đây được coi là yếu tố đầu vào quan trọng trong chuỗi sản xuất vi mạch.
Dẫn chứng ở Hàn Quốc, GS Lee chia sẻ, để tăng nguồn nhân lực, Đại học Quốc gia Seoul khuyến khích sinh viên ngoài chuyên ngành vi mạch học thêm để trở thành kỹ sư. Sinh viên năm 2 - 3 có thể theo học chương trình song bằng để trở thành nhân lực lĩnh vực vi mạch.
GS Lee cũng gợi ý các hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học. Doanh nghiệp sẽ đến trường chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động sản xuất cũng như cung cấp các dịch vụ liên quan. Sinh viên có quá trình thực tập trong khâu thiết kế, sản xuât chip của doanh nghiệp. "Chúng tôi có liên minh 7 trường đại học thành lập chương trình đào tạo về bán dẫn để chia sẻ nguồn lực, tài liệu học tập", ông Lee nói.
Trong buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) hôm 14/4, ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc FPT Semiconductor, cho biết: "Từ nay đến 2030, thế giới thiếu một triệu nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn". Cùng với đó hàng loạt ông lớn lĩnh vực sản xuất chip có mặt tại Việt Nam đang mang lại cơ hội cho việc phát triển nhân lực lĩnh vực này.
Hiện cả nước có 40 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực vi mạch trong đó có 38 doanh nghiệp FDI và hai doanh nghiệp lớn trong nước là FPT và VNPT.
Hà An