PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, hôm 15/6 cho biết đây là một trong những đề xuất của đại học này với Thủ tướng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu lọt top 100 châu Á vào năm 2030.
Theo ông, việc này gắn liền với các chính sách thu hút, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ, đầu ngành. Từ đó, họ tham gia phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
"Nếu không có cơ chế đột phá, chúng ta rất khó tuyển dụng được các nhà khoa học trẻ, nhà khoa học đầu ngành", ông Quân nhìn nhận. Ông nói nhiều nước đã có cơ chế này, như ở Trung Quốc, 8 trường top đầu được trao quyền bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.
Cụ thể hơn, TS Thái Thị Tuyết Dung, phụ trách Ban Thanh tra - Pháp chế, cho biết Đại học Quốc gia TP HCM đề xuất Thủ tướng thành lập một hội đồng riêng để đảm bảo việc xét duyệt giáo sư, phó giáo sư công khai, minh bạch. Toàn bộ quá trình này sẽ sử dụng ngân sách của đại học này.
Việc thí điểm diễn ra trong 5 năm và áp dụng trong nội bộ. Nếu rời đi, các nhà khoa học không được giữ chức danh nữa.
Về tiêu chuẩn, bà Dung đề xuất bám theo quyết định 37 về tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận giáo sư, phó giáo sư của Thủ tướng nhưng linh động hơn. Chẳng hạn, trường có thể thêm một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế như đóng góp về tài chính cho đơn vị, chính sách cho cộng đồng, tham gia mạng lưới khoa học trong và ngoài nước.
Lý giải về đề xuất, bà cho rằng các quy định hiện nay về xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn, quy trình xét thông qua ba hội đồng với nhiều yêu cầu về thủ tục hành chính; yêu cầu ứng viên có thời gian giảng dạy dài hay tính điểm nghiên cứu theo số lượng bài báo khoa học là chưa chưa phù hợp với thực tế...
Với cách làm hiện nay, các cơ sở giáo dục ở thế bị động khi phát triển các chương trình đào tạo và nghiên cứu. Có ngành chưa có trong danh mục của hội đồng giáo sư ngành (Khoa học – Công nghệ vật liệu), một số ngành truyền thống có nguy cơ không còn giáo sư đầu ngành.
Việc công nhận dựa theo công bố quốc tế cũng dẫn đến xu hướng thương mại hóa công tác xuất bản, các tạp chí "săn mồi" xuất hiện ngày càng nhiều, làm méo mó và giảm sút niềm tin của xã hội đối với giáo dục.
Đề xuất của Đại học Quốc gia TP HCM được nhiều nhà khoa học trẻ ủng hộ.
Theo TS Lê Kim Hùng, trường Đại học Công nghệ Thông tin, các tiến sĩ trẻ ở nước ngoài về nước hiện vướng tiêu chí thâm niên (tối thiếu 6 năm) nếu muốn đăng ký xét chức danh phó giáo sư. Nếu không đủ năm, ứng viên cần có gấp đôi số điểm về bài báo khoa học nhưng việc ước lượng điểm bài báo khó khăn.
"Đại học Quốc gia TP HCM có cơ chế linh hoạt hơn sẽ cổ vũ cho các tiến sĩ trẻ như chúng tôi thêm động lực cống hiến", TS Hùng bày tỏ.
TS Trần Thị Như Hoa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, đề xuất đặt ra một số tiêu chí xét duyệt cao hơn so quy định chung, bổ sung một số ngành để thu hút nhiều tiến sĩ trẻ về nước.
Hiện nay, việc công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư gồm nhiều bước, thông qua hội đồng ở trường đại học, đến hội đồng ngành, liên ngành, cuối cùng là Hội đồng cấp nhà nước.
Trở thành giáo sư, phó giáo sư, giảng viên có thể kéo dài thời gian làm việc tối đa 5 năm sau nghỉ hưu, được ưu tiên giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ...
Đến hết năm 2021, cả nước có 682 giáo sư, 4.760 phó giáo sư làm việc ở các đại học, chiếm khoảng 7% tổng số giảng viên cơ hữu. Số giáo sư, phó giáo sư là một trong những điều kiện để các trường mở chương trình đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ).
Đại học Quốc gia TP HCM được thành lập năm 1995, quy mô đào tạo hơn 90.000 sinh viên, lớn nhất cả nước. Theo bảng xếp hạng đại học QS 2025, cơ sở giáo dục này trong top 901-950 thế giới.
Lệ Nguyễn