Nội dung được hai bên ký trong biên bản ghi nhớ chiều 8/4 với các dự án hợp tác ứng dụng AI vào ngành y tế, nông nghiệp, quản lý hành chính công, xây dựng đô thị thông minh... tại Việt Nam. Các dự án hợp tác nhằm góp phần cùng TP HCM thực hiện Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2020-2030.
Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM Vũ Hải Quân, trong hơn 10 năm qua, đơn vị đã có nhiều hợp tác nghiên cứu và đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các giáo sư của Viện Trí tuệ Nhân tạo Ứng dụng, Đại học Deakin (A2I2). Đại học Quốc gia TP HCM xác định Đại học Deakin là đối tác hợp tác chiến lược trong lĩnh vực AI và công nghệ thông tin giai đoạn tới.
Hiện, A2I2 có hơn 120 nhà nghiên cứu AI và kỹ sư phần mềm xuất sắc từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có 7 nhà nghiên cứu xếp hạng top 3 tại Australia và 15 nhà nghiên cứu hàng đầu toàn cầu. A2I2 đã có hàng trăm công bố tạp chí và bài báo hội nghị Q1, thành lập một số công ty khởi nghiệp và sở hữu nhiều bằng sáng chế quốc tế.
Để tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM đề nghị các giáo sư từ viện A2I2 hướng dẫn các đề tài khoa học của sinh viên Việt Nam từ bậc đại học đến thạc sĩ. Ông Quân mong muốn mời các các giáo sư của A2I2 tham gia các bài học trực tuyến giảng dạy cho sinh viên, học viên cao học Việt Nam có các hướng tiếp cận mới nhất về nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Mục đích giúp các nhà khoa học trẻ tại Đại học Quốc gia TP HCM có cơ hội tiếp tục học lên bậc tiến sĩ và cao hơn trong lĩnh vực AI áp dụng cho các ngành khác nhau.
Ngoài ra, hai bên sẽ hợp tác gia tăng số lượng và quy mô chương trình trao đổi sinh viên. Thông qua trao đổi sinh viên, hai bên sẽ phát triển cơ chế thúc đẩy nhà khoa học kết nối, cùng thực hiện các dự án nghiên cứu, đồng tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế. Hai cơ sở giáo dục sẽ hợp tác xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về quản trị đại học và quản lý công cho lãnh đạo, quản lý các trường đại học, cơ quan nhà nước và doanh nghiệp...
Nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo được Đại học Quốc gia TP HCM tập trung đẩy mạnh. Trong dự thảo khung chương trình khoa học và công nghệ nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, Đại học Quốc gia TP HCM đặt mục tiêu có ít nhất 20 sản phẩm mới từ công nghệ chủ chốt như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, IoT...; chế tạo thành công một chip AI; hình thành ít nhất 20 nhóm nghiên cứu tiềm năng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, trong đó có tối thiểu 5 nhóm nghiên cứu mạnh và 10 nhóm nghiên cứu liên ngành.
Hà An