Theo kế hoạch của Đại học Quốc gia Hà Nội, các trường có sinh viên học tại Hòa Lạc trong năm học tới gồm sinh viên năm nhất trường Đại học Y Dược và Đại học Công nghệ, trường Đại học Việt Nhật, Luật, khối sư phạm trường Đại học Giáo dục, Trường Quốc tế, Khoa các Khoa học liên ngành và toàn bộ khối 10 trường THPT Khoa học Giáo dục (HES).
Việc đưa sinh viên lên học tại Hòa Lạc đã được thực hiện từ năm ngoái với khoảng 2.000 em ở bốn trường thành viên là Y Dược, Việt Nhật, Giáo dục và Quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu cho số lượng học sinh, sinh viên gấp ba lần năm ngoái, Đại học Quốc gia Hà Nội đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng bộ các khu liên quan như giảng đường, khu nội trú, khu nghiên cứu, giáo dục thể chất, các khu hoạt động trải nghiệm.
Đề án quy hoạch tổng thể đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 10/2013, gồm 21 dự án, quy mô đáp ứng khoảng 60.000 sinh viên.
Hồi đầu tháng 7, Trưởng ban Xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết đã hoàn thiện khu giảng đường cho hàng nghìn sinh viên. Trường Quốc tế tại Hòa Lạc sẽ được khởi công cuối năm nay với quy mô gần 13.000 m2 sàn xây dựng. Khu ký túc xá số 4 với hơn 5.000 chỗ ở cũng được hoàn thiện và sử dụng trong thời gian tới.
Dự kiến đến năm 2025, Đại học Quốc gia Hà Nội đưa khoảng 15.000 sinh viên đến học tập tại đây.
Khuôn viên Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình "5 trong 1": Trung tâm đào tạo tài năng; trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ; trung tâm đổi mới sáng tạo; đô thị đại học thông minh; trung tâm thử nghiệm hợp tác công tư và đào tạo nghiên cứu.
Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 vào top 100 châu Á, top 500 thế giới; đến năm 2040 vào top 300. Hiện tại, theo xếp hạng của tổ chức QS (Quacquarelli Symonds), Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 1.000 đại học tốt nhất thế giới.