Khoa Công nghệ sinh học (trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM) vừa được phê duyệt 30 tỷ đồng để xây dựng Trung tâm bảo tồn nguồn gen động vật quý của Việt Nam.
![Phòng thí nghiệm của khoa Công nghệ sinh học (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/04/09/dai-hoc-quoc-te-1466-1554802602.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FMVR8gR8MB5ZhEc7X9wELw)
Phòng thí nghiệm của khoa Công nghệ sinh học (Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM). Ảnh: Mạnh Tùng.
PGS Nguyễn Văn Thuận (Trưởng khoa Công nghệ sinh học) cho biết, quá trình xây dựng trung tâm chia làm hai giai đoạn, kéo dài hơn 5 năm. Nhân lực chủ yếu của trung tâm là giảng viên, nghiên cứu sinh và học viên cao học của khoa.
Nhóm nghiên cứu sẽ thiết lập phòng thí nghiệm gen (Genomic Lab) và ngân hàng tế bào (Cell banking) để phân tích và bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm sau khi đã thu thập từ 2019-2021 với kinh phí 30 tỷ đồng.
Giai đoạn từ 2022-2025, trung tâm sẽ tái biệt hóa (hiện tượng tế bào đã biệt hóa lại phục hồi khả năng phân chia như trước) các dòng tế bào động vật quý hiếm thành tế bào gốc và lưu trữ lâu dài. Nhóm nghiên cứu sẽ ứng dụng công nghệ nhân bản vô tính và công nghệ sinh học sinh sản hiện đại để tái tạo lại các động vật quý hiếm và đang có nguy cơ tuyệt chủng của Việt Nam.
"Chúng tôi sẽ từng bước tái biệt hóa tất cả các dòng tế bào sinh dưỡng của động vật quý hiếm thành tế bào gốc, thông qua công nghệ tạo tế bào gốc phôi nhân bản vô tính (ntES cells) hoặc kỹ thuật tạo tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPS cell) để lưu trữ lâu dài", ông Thuận cho biết.
Theo PGS Thuận, việc ứng dụng công nghệ tế bào gốc cũng như các công nghệ sinh học sinh sản hiện đại và nhân bản vô tính động vật được xem là quan điểm đúng đắn cho ngành nông nghiệp công nghệ cao. Việc làm này sẽ giải quyết được vấn đề đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên động vật quý hiếm thuần chủng đang bị đe dọa nghiêm trọng tại Việt Nam và trên thế giới.