Năm 2024, một loạt đại học cả công lập và tư thục dự kiến mở từ 5 ngành mới trở lên như Đại học Ngân hàng TP HCM (5 ngành), Kinh tế quốc dân (6 ngành), Công nghệ TP HCM (7 ngành), Phenikaa (8 ngành và chương trình đào tạo)...
Các ngành mở mới của các trường ở nhiều lĩnh vực, từ Công nghệ thông tin đến Kinh doanh và Quản lý, Sức khỏe.
Trường nổi tiếng đào tạo về kinh tế như Đại học Kinh tế quốc dân mở 6 ngành mới thì 5 ngành về công nghệ - kỹ thuật, như Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin. Trong khi Đại học Phenikaa là trường tư thục mạnh về nhóm ngành kỹ thuật mở thêm nhiều ngành khối Sức khỏe như Kỹ thuật hình ảnh y học hay Y học cổ truyền.
Thực tế, từ năm 2020, nhiều trường đã ồ ạt mở ngành. Như Đại học Thủy lợi mở 14 ngành trong ba năm 2021-2023. Đại học Mỏ - Địa chất mở 20 ngành trong hai năm 2021-2022, trong đó riêng năm 2022 là 12 ngành.
Việc đại học liên tiếp mở ngành, chương trình mới được cho là theo xu thế đào tạo đa ngành, cũng như thu hút sinh viên vì học phí là nguồn thu chính, song gây lo lắng về chất lượng.
Luật Giáo dục đại học năm 2018 cho phép các trường được tự chủ mở ngành. Trong khi trước đó, hầu hết trường muốn mở phải xây dựng chương trình, lập hồ sơ để hội đồng khoa học thông qua, Sở Giáo dục và Đào tạo kiểm tra điều kiện thực tế, sau đó có một hội đồng chuyên môn thẩm định rồi chuyển lên Bộ Giáo dục và Đào tạo chờ xem xét, phê duyệt.
Sự thay đổi này tạo điều kiện để ngày càng nhiều ngành được mở mới ở các trường. Thống kê của Bộ cho thấy số ngành các trường mở mới từ 2019 đến tháng 8/2023 là gần 1.200.
Cho các trường tự chủ mở ngành nhưng luật cũng quy định rõ về điều kiện, tiêu chuẩn. Việc này phải căn cứ vào nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường; nội lực của nhà trường (hệ thống giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo); sự chấp nhận của xã hội...
Vì thế, các trường thường mở ngành mới dựa trên những ngành hoặc chuyên ngành sẵn có. Như tại Đại học Ngân hàng TP HCM, ngành Công nghệ tài chính mở mới năm nay được phát triển từ ngành Tài chính - Ngân hàng, ngành Khoa học dữ liệu phát triển từ Thông tin quản lý và Phân tích kinh doanh.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trường, cho biết các ngành mở mới dựa trên cốt lõi là nhóm ngành kinh doanh, quản lý, tích hợp thêm công nghệ, chuyển đổi số. Đây là chuyên ngành mở từ năm 2019, sau thời gian tích lũy nguồn lực gồm đội ngũ giảng viên, giáo trình, phòng thí nghiệm, kết nối doanh nghiệp, trường mới tách thành ngành độc lập.
"Với 72 tiến sĩ, thạc sĩ được tuyển mới trong hai năm gần đây, cộng thêm đội ngũ sẵn có, trường tự tin khả năng mở 5 ngành mới cùng lúc", ông Trung nói.
Mặt khác, một chuyên gia về giáo dục đại học ở Hà Nội cho rằng xu hướng mở ngành để trở thành đại học đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực là tất yếu, nằm trong chiến lược phát triển của nhiều trường. Điều này giúp tạo sự cạnh tranh, thúc đẩy các trường nâng cao chất lượng để thu hút người học. Người học cũng có nhiều lựa chọn hơn.
Dù vậy, không phải trường nào cũng thận trọng khi mở ngành. Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo hồi tháng 8/2023 cho biết có những trường chưa đủ điều kiện để thực hiện tự chủ nhưng vẫn tự mở ngành đào tạo. Nhiều trường mở ngành nhưng không đảm bảo đủ các điều kiện.
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương, nhìn nhận không ít trường chạy theo "trend", đua mở ngành hot để dễ dàng tuyển sinh, bởi nguồn thu của đại học hiện chủ yếu đến từ học phí.
"Để đáp ứng yêu cầu của Bộ khi mở ngành mới, các trường đua nhau thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ đúng chuyên ngành. Nhưng sau khi mở được ngành, trường có duy trì được điều kiện, năng lực đào tạo hay không là chuyện khác", ông Sơn nói.
Thanh tra Bộ đã từng xử phạt một số trường vì không duy trì đủ các điều kiện sau một thời gian mở ngành. Có trường phải đóng ngành, chuyển sinh viên đã tuyển sang trường khác. Tháng trước, đơn vị này phát hiện Đại học Trưng Vương ở Vĩnh Phúc tuyển vượt tới 700% chỉ tiêu, song một số ngành không có giáo trình. Riêng ngành Thương mại điện tử, 4/5 giảng viên hết độ tuổi lao động, không có trình độ tiến sĩ đúng chuyên môn.
Theo các chuyên gia, mở ngành theo phong trào mà không chuẩn bị kỹ lưỡng sẽ dẫn đến một số hệ quả. Ví dụ, chất lượng đào tạo không đảm bảo, không xây dựng được thương hiệu để có thể cạnh tranh, dẫn đến không đủ sinh viên theo học, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của cả nhà trường lẫn người học.
Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kiểm soát chất lượng chặt chẽ hơn nữa trong việc tự chủ mở ngành của các trường.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, lưu ý khi mở ngành mới, các trường phải xác định được đó có phải là những ngành phù hợp với xu hướng, nhu cầu của xã hội ở hiện tại và tương lai không.
Điểm quan trọng nữa là trường phải có đủ năng lực để đảm bảo chất lượng. Các trường phải công khai, minh bạch mọi dữ liệu tuyển sinh, từ đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình, các phương thức xét tuyển, để thí sinh lựa chọn.
"Hiện nay, Bộ quản lý việc tuyển sinh, mở ngành của các trường thông qua những dữ liệu này, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra", Thứ trưởng nói.
Nói về xu thế mở ngành, ông Nguyễn Đức Trung nhận định các ngành nghề đều tích hợp yếu tố công nghệ, ranh giới giữa các lĩnh vực chuyên biệt sẽ dần bị xóa nhòa, xu hướng liên ngành, đa ngành sẽ ngày càng rõ nét. Đó là lý do dần dần các trường kỹ thuật, công nghệ sẽ đào tạo thêm lĩnh vực kinh tế, xã hội và ngược lại.
"Không cần thiết phải đóng các ngành truyền thống, vì những vị trí việc làm đó không thay đổi nhưng yêu cầu thêm kiến thức, kỹ năng mới, các trường phải đổi mới đào tạo, bắt kịp yêu cầu thị trường lao động", ông Trung nhận định.
Dương Tâm - Lệ Nguyễn