Tại Hội thảo kinh tế Việt Nam 2019 trước khúc quanh quyết định, do Trường Đại học Ngân hàng TP HCM tổ chức mới đây đã công bố Báo cáo thường niên Kinh tế vĩ mô Việt Nam với tựa: Phân tích và dự báo do nhóm nghiên cứu của PGS Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng nhà trường chủ biên.
Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế năm 2018 đã đạt mức 7,08%, cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Con số ấn tượng này đi cùng với ba điểm sáng của hoạt động kinh tế.
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế đến từ tất cả các khu vực cho thấy sự đi lên khá đồng đều của hoạt động kinh tế, dẫn đầu là công nghiệp xây dựng tăng 8,85%; kế đến là dịch vụ tăng 7,03%; nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng cao nhất từ 2012 ở mức 3,76%.

Thép là một trong những ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chiến tranh thương mại.
Thứ hai, vai trò đóng góp chủ đạo vào tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân được thể hiện rõ. Tiêu dùng tư nhân cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của tổng cầu với mức tăng cao hơn năm trước 11,7%. Đầu tư tư nhân vẫn giữ được nhịp tăng của năm trước ở mức 18,5% trong bối cảnh đầu tư toàn xã hội tăng trưởng ở mức thấp hơn so với năm trước.
Thứ ba, mặt trận kinh tế đối ngoại bứt phá ấn tượng. Hoạt động xuất nhập khẩu đã thiết lập kỷ lục mới với giá trị xuất siêu cả năm ở mức 7,2 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước đó. Đặc biệt, lần đầu tiên khu vực tư nhân có mức tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (15,9% so với 12,9%).
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, len lỏi trong bức tranh kinh tế sáng sủa của năm 2018 là những mảng tối đáng lo ngại. Vì tăng trưởng đã có dấu hiệu chậm lại từ nửa sau 2018 đồng thời xuất hiện sự trái quy luật so với những năm trước đó. Sự chậm lại này xuất hiện ở chính hoạt động dẫn đầu tăng trưởng là công nghiệp.
Cụ thể, tăng trưởng toàn ngành công nghiệp trong 2 quý cuối năm 2018 có dấu hiệu giảm nhẹ so với 2 quý đầu năm - trái ngược với qui luật cuối năm tăng trưởng cao hơn so với đầu năm. Trong đó, ngành chế biến chế tạo đã có một năm tăng trưởng rất đáng quan ngại khi hoạt động sản xuất tăng không bền vững qua từng tháng như những năm trước mà tập trung tăng vào giữa năm, tăng yếu hơn ở đầu và cuối năm.
Ngoài ra, hoạt động này không duy trì được mức tăng trưởng cao như năm 2017. Ngành khai khoáng cũng tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng âm lớn hơn và ngành xây dựng vẫn đang trong xu hướng giảm từ năm 2015. Mặt khác, ngành dịch vụ cũng đã tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng của năm 2017.
Đối với tăng trưởng năm 2019, báo cáo nhìn nhận nền kinh tế có những nhân tố tích cực cho tăng trưởng đến từ triển vọng lạc quan của kinh tế thế giới, sự ổn định của tăng trưởng khu vực tư nhân ở cả cấu phần tiêu dùng và đầu tư, cùng với đó là xu hướng phục hồi của ngành nông, lâm, thuỷ sản.
Dù vậy, tăng trưởng kinh tế 2019 cũng đối diện với không ít rào cản như nguy cơ lan rộng của chiến tranh thương mại, khó khăn của khu vực công nghiệp - xây dựng và đặc biệt sự giới hạn từ mô hình tăng trưởng của nền kinh tế truyền thống dựa trên vốn và tài nguyên.
Theo tính toán trong báo cáo, sản lượng thực của nền kinh tế đang dao động xung quanh mức sản lượng tiềm năng, một sự mở rộng sản lượng không xuất phát từ những động lực nền tảng sẽ dễ gây áp lực lên lạm phát. Mô hình tăng trưởng truyền thống dựa vào vốn và khai khoán của Việt Nam đã đi đến ngưỡng và không còn dư địa, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang diễn ra nhưng không thể thực hiện trong ngắn hạn.
Theo đó, duy trì tăng trưởng cao sẽ gặp áp lực lớn từ mất cân đối vĩ mô. Vì vậy các chính sách theo đuổi tăng trưởng cần phải cẩn trọng. Trong những năm gần đây, Chính phủ rất rõ ràng trong định hướng ổn định vĩ mô hàng đầu song song với tăng trưởng kinh tế, nên sẽ không theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá. Từ những phân tích này, mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 được nhóm nghiên cứu dự báo dao động xung quanh 6,7%.
Lệ Chi