Tại buổi tọa đàm thứ hai của "UniPrep - Sắp vào đại học" do VnExpress phối hợp với Viện ISB, Đại học Kinh tế TP HCM tổ chức, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết việc chủ động ứng dụng công nghệ vào xử lý vấn đề là điều rất quan trọng, nhất là trong cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, sinh viên cần được trang bị kiến thức, công cụ để hòa nhập với môi trường mới một cách nhanh, chủ động và hiệu quả nhất.
Bước đầu, Đại học Kinh tế Quốc dân thay đổi chương trình đào tạo. Giảng viên bộ môn, khoa, viện cố gắng đưa hàm lượng công nghệ nhất định, sử dụng phần mềm vào các môn như kế toán, kiểm toán hay quản trị khách sạn, lữ hành, logistic...
"Trong thị trường lao động hiện nay, công nghệ đã len lỏi vào trong từng hoạt động và dần thay thế những hoạt động truyền thống chúng ta thường làm", ông khẳng định.
Bên cạnh dạy các nguyên lý nền tảng, NEU đưa nhiều ứng dụng, công nghệ mới, đang sử dụng tại doanh nghiệp để sinh viên có thể làm chủ, sử dụng thành thạo ngay sau khi ra trường. Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương chia sẻ thêm, khi thay đổi nội dung đào tạo, điều quan trọng nhất là làm thế nào để ứng dụng công nghệ trong môn học có thể ngang bằng với thực tiễn, thậm chí tốt hơn, giới thiệu nền tảng mới, các doanh nghiệp chưa sử dụng.
Những năm gần đây, Đại học Kinh tế Quốc dân mở thêm nhiều ngành học mới liên quan đến công nghệ như Công nghệ tài chính, Kinh doanh số, Logistics... Năm học vừa qua, NEU tổ chức lớp bồi dưỡng trí tuệ nhân tạo (AI), Big data cho sinh viên tốt nghiệp. Bước đầu, các lớp học được mở miễn phí để khuyến khích sinh viên tham gia, sau đó, hai môn này dự kiến sẽ trở thành là kiến thức bắt buộc sau hai năm.
"Sinh viên NEU không chỉ phải đạt chuẩn quốc tế về ngoại ngữ, mà còn có kỹ năng sử dụng AI, Big data để xử lý công việc hàng ngày", ông nhấn mạnh.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương cho biết thêm, việc đào tạo chuyên sâu về AI và Big Data là bước quan trọng để tới mục tiêu thành lập Trường Khoa học Công nghệ - Đại học Kinh tế Quốc dân.
Hoạt động thứ ba NEU hướng tới là tạo lập môi trường công nghệ trong cuộc sống sinh hoạt, học tập. Như vậy, từ lúc nhập học đến khi tốt nghiệp, sinh viên có thể thành thạo công nghệ để phục vụ quá trình học và làm việc sau này.
Ví dụ, trong thi cử, Đại học Kinh tế Quốc dân cấp mã QR cho từng người, thay vì dùng thẻ sinh viên truyền thống. Sinh viên có thể dùng mã đó làm thẻ ra vào, thư viện... Sắp tới, trường còn phát hành ví điện tử để sinh viên thanh toán các dịch vụ nhỏ trong trường. Như vậy, các bạn trẻ có thể làm quen, tích lũy kỹ năng sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, NEU còn tập trung phát triển trải nghiệm thực tiễn đối với công nghệ mới cho sinh viên. Trước đây, người học chỉ tiếp xúc với môi trường thực tế khi đi thực tập vào năm 3-4. Nay, ngay từ hai năm đầu tiên, trường đã tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm để các em làm quen với tình huống, vấn đề của doanh nghiệp. Đồng thời, trường cũng cung cấp các khóa học rất dài, đặc biệt là trong chương trình tiên tiến chất lượng cao. Tại đây, sinh viên học, làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp và trải nghiệm công nghệ mới nhất, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính.
Hiện nay, một bộ phận sinh viên NEU đã được tiếp cận với dự án thư viện chung cho các trường đại học, trong đó có các nguồn dữ liệu thông tin tài chính mới và ứng dụng phổ biến nhất trong kinh doanh tài chính. Theo đó, những người học chuyên ngành thị trường chứng khoán, tài chính doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn dữ liệu tài chính mới nhất, cập nhật liên tục để thực hiện hoạt động kinh doanh trong thực tiễn.
"Việc này không chỉ giúp các em có kiến thức, công cụ, mà còn hình thành tư duy sử dụng công nghệ trong công việc", ông nói thêm.
Trong kỳ tuyển sinh 2022, trường sẽ điều chỉnh chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT; sử dụng thêm kết quả của kỳ đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức...
Nhật Lệ
10 số tọa đàm trực tuyến tương ứng với 10 chủ đề "nóng" về tuyển sinh năm 2022, xu thế việc làm và sự phát triển của các ngành trong bối cảnh hậu Covid-19.
Chuỗi sự kiện quy tụ hơn 30 diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ top trường đại học hàng đầu trong giảng dạy ngành kinh tế ở trong và ngoài nước, các chuyên gia, lãnh đạo cấp cao từ tổ chức nghề nghiệp và doanh nghiệp quy mô. Độc giả đăng ký tham gia tại đây.