The New School, một trường đại học khai phóng tại New York, Mỹ tích hợp ngành lập trình với giáo dục khai phóng.
"Chương trình mới được đặt tên là 'Code như một nghệ thuật tự do', trực tiếp coi khoa học máy tính là công cụ để sáng tạo, phê bình văn hóa và tăng khả năng nhận thức về một xã hội ngày càng số hóa", Todd Anderson, trợ lý giáo sư môn Lập trình và giáo dục khai phóng tại trường chia sẻ.
Các giảng viên của The New School đã phát triển một số lớp học liên ngành như Nhân chủng học trong mạng, Truyền thông sáng tạo và Trí tuệ nhân tạo, Lịch sử tương tác về những hành vi xấu trên máy tính, nội dung về virus máy tính, botnet và mã độc.
Trong khi một số khóa học kết hợp các ngôn ngữ lập trình cụ thể, một số khóa khác tập trung nhiều hơn vào lịch sử công nghệ và khám phá các quy trình sáng tạo được bắt đầu với máy tính.
Ví dụ, một sinh viên đã thể hiện luận văn thơ qua một trang web tương tác sau chương trình học. Khóa học khác thúc đẩy sinh viên sáng tác câu chuyện về cuộc phiêu lưu số của chính mình.
Những thay đổi này tại trường khai phóng là nỗ lực để nâng cao tính ứng dụng trong các chuyên ngành xã hội và nhân văn. Tuyển sinh vào chuyên ngành như tiếng Anh, lịch sử và triết học tại Mỹ suy giảm liên tục trong thời gian gần đây. Lớp học công nghệ có thể đóng vai trò kết nối giữa các ngành này với cuộc sống đầy công nghệ hiện tại.
Bên cạnh việc tích hợp môn liên ngành, tại The New School, khoa học máy tính và lập trình cũng được đưa vào phân tích dưới góc độ lịch sử và triết học. Các giáo sư kỳ vọng sinh viên có thể sử dụng nghệ thuật và khoa học xã hội để tác động đến cách công nghệ được thiết kế và ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày.
"Có một loại định kiến phổ biến rằng, nếu bạn không phải là một lập trình viên máy tính, bạn không đủ điều kiện để có ý kiến về cách thức triển khai hệ thống. Chúng tôi muốn vượt qua định kiến đó", Anderson chia sẻ.
Cách tiếp cận này cho thấy, đồng thời với quá trình học hỏi từ công nghệ, các lĩnh vực văn học, lịch sử và triết học cũng có nhiều thứ để dạy ngành lập trình. Thực tế, các khóa lập trình truyền thống ở những trường đại học khác cũng đang thay đổi theo xu hướng này.
Ví dụ, các giáo sư khoa học máy tính và triết học tại Harvard đang hợp tác để đưa môn đạo đức vào chương trình giảng dạy lập trình. Hay tại Việt Nam, FUNiX - trường đại học trực tuyến đào tạo công nghệ thông tin cũng đã đưa môn Đạo đức trong CNTT (Ethics in IT) vào nội dung học bắt buộc để lấy bằng Kỹ sư phần mềm.
Kết hợp ngành lập trình và ngành xã hội nhân văn trong giáo dục đại học cho thấy xã hội số buộc giáo dục phải có những thay đổi phù hợp với thời đại công nghệ. Với chương trình đào tạo lập trình tích hợp, Anderson hy vọng sinh viên có thể bước vào xã hội, nhận thức được, nói chuyện về cách các hệ thống này hoạt động và có thể tác động đến cách công nghệ tồn tại trong xã hội.
Nguyên Chương (theo EdSurged)