Đứng trước xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đại học Hoa Sen đã đẩy mạnh công tác đào tạo kiến thức gắn liền với thực hành, rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng ngoại ngữ cho sinh viên. Chương trình này giúp người học phát huy tính năng động, sáng tạo, biết vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại Hoa Sen, sinh viên năm 1-2 có thể linh hoạt chuyển từ ngành này sang ngành khác mà không phải học lại nhiều. Bằng cách đăng ký thêm các ngành phụ, sinh viên có thể thêm ngành học lĩnh vực khác trong cùng một khoa hay ngoài khoa, nhất là ở hai năm cuối. Điều này giúp sinh viên có nền tảng kiến thức thức rộng, dễ thích nghi với thị trường lao động đòi hỏi tính đa năng.
Một trong những hoạt động được trường quan tâm là nghiên cứu khoa học và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn. Thông qua xây dựng không gian khoa học, trường hình thành nên những phòng thí nghiệm hiện đại để thu hút, phát triển khả năng nghiên cứu khoa học cho giảng viên, học giả, nhà nghiên cứu...
Đặc biệt, từ khi thực hiện lộ trình phát triển, lãnh đạo trường đã đổi mới phương thức quản trị, hướng đến nền quản trị tốt hơn dựa trên nền tảng các nguyên tắc điều hành cơ bản: trách nhiệm giải trình, tính minh bạch, tính hiệu quả, trung thực.
Theo phó giáo sư, tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp - Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, để hội nhập, các trường buộc phải có hướng đi riêng. Trong đó, câu hỏi làm sao cho chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, cách thức đào tạo thay đổi, giúp sinh viên trở thành công dân toàn cầu luôn là trăn trở của nhiều người. Điều đó có thể đến từ việc nhập khẩu chương trình, thay đổi phương thức quản trị nhà trường, đánh giá khả năng sáng tạo, kiểm định chất lượng và thành tựu nghiên cứu khoa học chung giữa giảng viên và sinh viên các trường.
Năm 2018, Đại học Hoa Sen có 2.510 chỉ tiêu cho 22 ngành học, trường dành 60% xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 30% trên điểm học bạ và 10% theo điều kiện riêng của trường. Trường hợp một phương thức còn thiếu chỉ tiêu do thí sinh nộp hồ sơ chưa đủ, trường có thể điều chỉnh chỉ tiêu còn thiếu sang phương thức còn lại (đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền lợi, sự công bằng của thí sinh trong đợt xét tuyển).
Ở phương thức một, trường xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp môn, lấy điểm từ cao xuống. Mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển là từ bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường quy định trở lên. Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh phải đạt từ 5 điểm trở lên đối với môn tiếng Anh.
Mức điểm tối thiểu nhận hồ sơ xét tuyển là từ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường quy định. Đối với phương thức 1, điểm xét của các tổ hợp môn xét tuyển là như nhau. Trường có sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT được bảo lưu theo quy định xét công nhận tốt nghiệp THPT của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Trường không sử dụng kết quả miễn thi môn ngoại ngữ của thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia để tính điểm xét tuyển vào trường.
Thời gian nộp hồ sơ đợt một bắt từ ngày 1-20/4 tại các trường THPT.
Ở phương thức 2, Thí sinh có điểm trung bình cộng lớp 10, 11 và học kỳ một lớp 12 từ bằng ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào do trường quy định trở lên.
Riêng ngành Ngôn ngữ Anh, thí sinh phải có điểm trung bình cộng môn tiếng Anh từ 6,5 trở lên. Đối với nhóm ngành thiết kế (Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ hoạ, Thiết kế nội thất), điểm trung bình cộng môn Toán hoặc môn Ngữ văn từ 6,5 điểm trở lên.
Ngoài 2 phương thức trên, trường còn mở rộng cơ hội cho thí sinh dự tuyển theo điều kiện riêng của trường. Thí sinh tốt nghiệp THPT và có điểm trung bình cộng các môn học năm lớp 10, 11 và học kỳ một lớp 12 từ bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do trường quy định trở lên, thoả mãn một trong các điều kiện theo yêu cầu của trường (tuỳ theo ngành, nhóm ngành) đều có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Thời gian nộp hồ sơ đợt một đối với phương thức 2,3 bắt đầu từ ngày 2/5 đến hết ngày 15/6 tại trường Đại học Hoa Sen.
Ngọc Anh