Ngày 10/9, trong lễ tri ân nhân kỷ niệm 10 năm thành lập, lãnh đạo Đại học FPT cùng nguyên lãnh đạo bộ, ngành, các giáo sư, viện sĩ đã ôn lại chặng đường mở đại học tư thục và đấu tranh xin thí điểm tự chủ.
TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị đầu tiên của trường chia sẻ: "Khi xin lập trường và thí điểm tự chủ, chúng tôi nghĩ đến những thanh niên Việt Nam có khát vọng, năng lực học tập, mong muốn lập nghiệp, làm giàu nhưng thiếu môi trường. Câu hỏi luôn thôi thúc là tại sao người Việt phải ra nước ngoài mới học được mà không phải người nước ngoài đến Việt Nam?".
Đại học FPT ra đời năm 2006 nhưng ý tưởng thành lập có từ năm 2003. Thời điểm đó Luật Giáo dục chưa có cơ chế cho phép thành lập đại học tư thục cũng như chưa có cơ chế cho trường đại học do doanh nghiệp thành lập ra đời. Song ban dự án thành lập Đại học FPT vẫn làm đề án, gửi cơ quan chức năng với niềm tin Chính phủ sẽ cho phép bởi đây là xu thế của thời đại.
Khát vọng đổi mới khi ấy được nhiều trí thức tán dương, ủng hộ như GS Hồ Ngọc Đại, GS Hoàng Tụy, cố GS Nguyễn Văn Đạo... Các ông đều nhận thấy tự chủ đại học sẽ là xu thế của nền giáo dục nên đã cố vấn, định hướng cho sự ra đời của Đại học FPT.
Năm 2005, Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua, quy chế đại học tư thục ban hành tạo hành lang pháp lý cho các trường tư hoạt động, là bước đệm cho sự ra đời của trường vào tháng 9/2006. Trường tiếp tục xin thí điểm tự chủ, song nhận được sự "lắc đầu" của Bộ Giáo dục và Đào tạo trước họp báo công bố phương thức tuyển sinh chỉ một ngày. Lãnh đạo nhà trường tiếp tục gửi văn bản, thuyết minh phương thức thử nghiệm, cuối cùng cũng được Bộ đồng ý cấp chỉ tiêu tuyển sinh vào tháng 11/2006.
Ông Trần Quốc Toản, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá, dù khoa học, giáo dục hiện nay vẫn còn những điều chưa làm được song tư tưởng đổi mới căn bản, toàn diện với 4 hóa: chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế là những giá trị nhân văn hướng đến con người. Ông cũng cho rằng những trường đại học hàng đầu thế giới hầu hết là tư thục, có sự tự chủ cao. "Điều này chứng minh đây là xu thế. Nếu không nhận thức được thì nền giáo dục khó phát triển", ông nói.
Bà Trần Thị Kim Chi, vợ cố GS Nguyễn Văn Đạo, "người cha đỡ đầu" của Đại học FPT xúc động cho rằng đó là những suy nghĩ táo bạo bởi đại học tự chủ khi ấy vẫn chưa là xu thế. Chồng bà mất nhiều công sức để đại học tự chủ được ra đời. "Nếu anh ấy còn sống hẳn sẽ rất vui. Giờ đây, khi nhìn những thành công của trường, tôi càng thấm thía câu nói uy tín của đại học được đo bằng tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp ra trường", bà nói.
Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học FPT Lê Trường Tùng chia sẻ, có nhiều con đường đi để đến đích và sẽ phải trả giá nếu đi không đúng đường. May mắn rằng những bước đi "liều lĩnh" từ 10 năm trước đã đặt nền tảng để những năm sau này trường có hướng đi đúng đắn và tiếp tục phát triển.
Hiện, những giá trị mà trường theo đuổi là làm tốt 4 công việc: dạy tốt; tổ chức những hoạt động quốc tế hóa bởi đại học không thể đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu (tuyển sinh viên nước ngoài sang Việt Nam học, trao đổi sinh viên ngắn hạn với đại học nước ngoài, tiến tới thành lập phân hiệu Đại học FPT ở nước ngoài); nghiên cứu khoa học theo hướng tạo ra những sản phẩm có giá trị khoa học lẫn tính thương mại; tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường.
Tại lễ tri ân, trường khánh thành Bảo tàng truyền thống và công trình 1.000 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp. Bảo tàng lưu giữ hình ảnh, công văn, giấy phép, hiện vật tái hiện chặng đường phát triển của ngôi trường tư thục đầu tiên do doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam. Công trình còn lại khắc tên, mã số 1.000 sinh viên đầu tiên tốt nghiệp.
Phương Hòa