Đây là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đưa nội dung này vào chương trình giảng dạy, trang bị hành trang cần thiết cho sinh viên trước khi ra trường.
Theo thoả thuận, từ năm 2014, trường Trung cấp nghề số 10 sẽ tổ chức đào tạo kỹ năng lái ôtô cho sinh viên. Các giờ học lý thuyết, thực hành cũng như kỳ thi lái xe… đều được tổ chức bởi trường nghề của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Chương trình đào tạo sẽ được thiết kế phù hợp với điều kiện của sinh viên.
Bước đầu đưa đào tạo lái ôtô vào chương trình đào tạo, ĐH FPT tạo ra nhiều lợi thế cho sinh viên như: Được thực hành lái xe tại sân tập gần trường, có thể học lý thuyết lái xe ngay tại trường, chất lượng học được đảm bảo với chi phí hợp lý... Đặc biệt, sinh viên ĐH FPT sẽ được chú trọng dạy về đạo đức lái xe, cách hành xử khi tình huống xấu xảy ra.
TS Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT khẳng định, đưa đào tạo lái xe vào chương trình học chính thức là hoạt động nằm trong định hướng phát triển kỹ năng toàn cầu hóa cho sinh viên FPT. Ông Tùng cho rằng trong thời đại này, thách thức của các nhà trường là đào tạo cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng sống hữu ích trong tương lai. Hơn nữa, sinh viên bước ra thế giới ngày càng nhiều hơn nên nhà trường hướng tới việc tạo thêm giá trị thặng dư cho các em.
"Lái ôtô là một kỹ năng sống giản dị và rất cần thiết cho sinh viên trong vài năm hội nhập tới đây, vì vậy chúng tôi đưa vào chương trình đào tạo, giúp sinh viên có thêm lựa chọn cho việc trang bị bản thân vững vàng trước ngày tốt nghiệp", ông Tùng nói.
Trước đó, trường có nhiều nội dung đào tạo nhằm hiện thực hóa mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có năng lực làm việc toàn cầu như: đưa Vovinam vào chương trình Giáo dục thể chất, đưa nhạc cụ dân tộc, hát dân ca vào chương trình đào tạo, giúp các em tiếp thu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Kiều Trinh