Sau ba lượt thi đấu căng thẳng, đội UET Fastest tới từ trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội vượt qua 7 đối thủ để giành chiến thắng chung cuộc Cuộc đua số 2017 - 2018 với chủ đề Xe tự hành. Trong lượt thi đấu cuối cùng, đội đã vượt qua đối thủ nặng ký Winwin Spiral tới từ đại học FPT, dù ban đầu đã có màn khởi động trục trặc.
Cuộc đua số với chủ đề Xe không người lái, diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 5/2018 do FPT tổ chức, là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học. Chương trình diễn ra trong hơn 6 tháng ở cả ba khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM và đã tìm ra được 8 đội thi tới từ 6 trường đại học khác nhau trong nước tham dự đêm thi đấu chung kết tại Hà Nội tối 17/5.
Chia sẻ về chủ đề của cuộc thi Cuộc đua số năm nay, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn FPT cho rằng xe tự hành sẽ là cơ hội để Việt Nam tham gia vào ngành công nghiệp ôtô trong tương lai khi mà 90% giá trị của sản phẩm này trong tương lai là phần mềm.
Ông cũng dự đoán Việt Nam có thể có hàng triêụ người tham gia ngành công nghiệp ô tô tương lai. Tối nay có đội đạt giải đội không, nhưng họ đều thành công bởi đã bước thêm một bước chân nữa vào ngành ô tô tương lai.
Thực tế, đêm thi đấu chung kết Cuộc đua số 2017 - 2018 đã diễn ra đầy căng thẳng và thu hút sự chú ý lớn từ nhiều người. Theo ban tổ chức, đã có hơn 1.000 cổ động viên đến Trung tâm văn hoá - Thông tin và thể thao Tây Hồ (Hà Nội) để xem màn tranh tài.
Phần thi đầu tiên bao gồm 4 lượt đua và 4 đội đạt thành tích hoàn thành vòng đua sớm nhất hoặc đi được quãng đường xa nhất sẽ được đi tiếp vào vòng sau. Việc sa hình được thiết kế mô phỏng lại đường xá ngoài đời thật, xe tự hành phải tuân thủ các biển báo giao thông và sức ép về thời gian đã khiến cho nhiều đội không thể hoàn thành được một vòng đi.
Thầy Nguyễn Ngọc Tuấn, giáo viên hướng dẫn đội MTA Race4Fun đánh giá Cuộc Đua Số là cuộc thi rất bổ ích, không chỉ đối với các sinh viên mà cả các kỹ sư công nghệ trong sự phát triển của khoa học công nghệ trong tương lai.
"Cuộc thi là một sân chơi bổ ích cho các em sinh viên đam mê công nghệ. Ở đây có những nhà nghiên cứu trẻ, đầu tư để nghiên cứu về các hệ thống giao thông, vì tôi nghĩ giao thông Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề. Cuộc thi đã tạo tiền đề cho chúng ta đi vào nghiên cứu các thiết bị giao thông thông minh, phương tiện thông minh không chỉ là đường bộ, mà tương lai còn là đường thủy, đường sắt…"
Lọt vào vòng đấu thứ hai là bốn đội UET Fastest, Winwin Spiral, Prototype và MTA_Race4Fun tới từ 3 trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, đại học FPT và học viện kỹ thuật quân sự. Trong phần này, các xe tự hành không người lái còn được thử thách cao hơn nữa khi phải chạy trên sa hình hoàn mới được công bố đúng một ngày trước đêm chung kết. Kết quả cũng được phân định bằng việc thi đấu đối kháng giữa hai đội và ai về đích đầu tiên sẽ giành chiến thắng.
Cuối cùng, những chiếc xe tự hành tới từ Winwin Spiral và UET Fastest đều đã vượt qua đối thủ để lọt vào chung kết và kết quả cuối cùng là chiến thắng giành cho đội tuyển tới từ đại học Công nghệ Hà Nội. Đây là kết quả thú vị khi trước tối chung kết, UET Fast không được đánh giá là ứng cử viên nặng ký nhất. Thậm chí, trong quá trình luyện tập cho Cuộc đua số 2017 - 2018, các thành viên của của đội UET Fastest thuộc Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội còn sáng tạo ra sân tập ảo trên máy tính do không có địa điểm luyện tập.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ đánh giá cao về những điều mà cuộc thi Cuộc đua số năm nay đã làm được. Ông cho biết: "Chủ đề xe tự hành đòi hỏi cao về công nghệ, nhưng những sinh viên tham gia tranh tài đã cho thấy các em tiếp cận công nghệ mới rất nhanh".
Tuấn Anh - Châu An
Xem diễn biến chính