PGS TS Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Đại học CMC, nguyên Phó Hiệu trưởng trường sau đại học - Học viện Máy tính Kyoto (Nhật Bản) khẳng định, đối với sinh viên hay nhân sự ngành công nghệ thông tin, việc thi đạt chứng chỉ ITSS là một phần minh chứng khẳng định năng lực bản thân.
- Theo ông, điều then chốt trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học, công nghệ?
- Chúng ta đang sống trong những biến đổi rất nhanh của toàn cầu. Công nghệ 4.0 đó là nền sản xuất thông minh, bao gồm rất nhiều yếu tố mục tiêu, cao nhất là đáp ứng nhu cầu của con người. Vì vậy, nguồn nhân lực là điều quan trọng nhất và nhân sự chất lượng cao cần đáp ứng đủ, đúng yêu cầu của nền sản xuất. Khi đó, ngành công nghệ thông tin càng quan trọng.
Theo tôi, điều then chốt là cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đa dạng, liên ngành. Chúng ta học một ngành vẫn chưa đủ. Kiến thức, kỹ năng cần được mở rộng, thậm chí, đào sâu ở các ngành khác. Điều đó đề ra trách nhiệm rất lớn cho các trường đại học và trung tâm đào tạo. Như vậy, chúng ta cần đào tạo cải tiến, cập nhật nhưng phải có tính liên ngành để có nguồn nhân lực đạt chất lượng.

PGS TS Nguyễn Ngọc Bình - Hiệu trưởng Đại học CMC. Ảnh: Nhân vật cung cấp
- Ông nhận định thế nào về việc sinh viên và nhân sự ngành công nghệ thông tin tham gia thi đạt ITSS?
- Đề thi ITSS có kiến thức cơ sở về công nghệ thông tin, bao gồm phần mềm và phần cứng. Mỗi câu trong đề được đo lường kỹ lưỡng để đánh giá năng lực thí sinh. 30% số câu hỏi liên quan đến khoa học quản lý, kế toán, sở hữu trí tuệ, đạo đức nghề nghiệp. Nhóm kiến thức đó thể hiện năng lực toàn diện. Ví dụ, khoa học quản lý nói về những nguyên lý cơ bản trong quản trị dự án hay với đạo đức nghề nghiệp, nhân sự cần tôn trọng sản phẩm của người khác. Nếu sử dụng lại, mỗi người phải đảm bảo yếu tố pháp lý như thế nào.
Trong đề thi, những câu hỏi liên quan đến luật pháp và xã hội Nhật Bản sẽ được các nước thay thế nội dung tương ứng với luật pháp quốc gia sở tại, đảm bảo đạt chuẩn như đề gốc. Do đó, đây là một kỳ thi sát hạch năng lực chất lượng, đánh giá tương đối chuẩn xác kiến thức, kỹ năng của một người trong nghề. Người đạt chứng chỉ có thể khẳng định năng lực, được nhà tuyển dụng đánh giá cao.
Yếu tố then chốt để thành công là phải từng học, trải qua các cụm kiến thức có trong đề thi, đồng thời, mày mò nghiên cứu, nghiêm túc xác định mục tiêu. Sinh viên hay người đi làm đều cần như vậy.

Sinh viên Đại học CMC thực hành công nghệ thông tin. Ảnh: Đại học CMC
- Đại học CMC tạo điều kiện cho sinh viên như thế nào để có đủ năng lực tham gia thi?
- Chúng tôi đã nghiên cứu thị trường và tham khảo các trường đại học lớn đi trước, cũng như tham vấn chuyên gia từ một số tập đoàn công nghệ lớn ở trong nước, quốc tế. Sau đó, Đại học CMC xây dựng chương trình đào tạo cho khoa Công nghệ thông tin theo chuẩn của Hiệp hội Máy tính Mỹ (Association for Computing Machinery-ACM), hệ thống chuẩn kỹ sư công nghệ thông tin của Nhật Bản, ITSS.

Sinh viên ngành Công nghệ thông tin - Đại học CMC. Ảnh: Đại học CMC
Sinh viên theo chuyên ngành đã chọn sẽ được đảm bảo kiến thức đầu ra cử nhân, kỹ sư công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như nội dung thi ITSS như phần cứng, khoa học quản lý, kế toán, sở hữu trí tuệ. Về môi trường thực hành thực tập cho sinh viên, chúng tôi có các đơn vị trong Tập đoàn CMC kết nối và hỗ trợ cụ thể.
Bên cạnh đó, khoa mua các tài liệu ôn thi ITSS bằng tiếng Nhật, tiếng Anh và Việt hóa để sinh viên ôn luyện. Nếu nghiêm túc theo chương trình, sinh viên Đại học CMC có thể thi đạt chứng chỉ ITSS ở học kỳ 6 hoặc 7.
Với nền tảng trường thuộc tập đoàn công nghệ lớn, chúng tôi tạo cơ hội cho sinh viên công nghệ thông tin học tập trao đổi ở nước ngoài, thực tập có lương ở CMC Japan và các đối tác khác. Nhờ đó, người học có thể sẵn sàng cho hành trình tạo giá trị cho chính mình, gia đình và xã hội.
Thiên Minh
Độc giả có thể tham khảo tại website hoặc liên hệ ban tuyển sinh, marketing và truyền thông Đại học CMC tại tầng 7, tòa nhà CMC, số 11 Duy Tân, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hotline: 02471029999.