Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân. Khi quyết định mua, ông Đức dùng tiền cá nhân và không thông qua đại hội cổ đông. Ông này cho biết: "Tôi sắm máy bay bằng tiền túi nên không phải giải trình trước cổ đông. Toàn bộ chi phí thuê phi công, bảo dưỡng máy bay, xăng dầu, kiểm tra kỹ thuật, giấy phép... đều là tiền cá nhân".
Tổng chi phí mỗi năm mà ông Đức phải chi cho chiếc máy bay khoảng 400.000 USD và không tính vào chi phí của công ty. "Khi mua bằng tiền túi và tự chịu các khoản chi phí, mình có quyền được sử dụng trong việc đi lại hoặc cho anh em bạn bè mượn khi họ cần", ông Đức nói.
Thời điểm mà ông Đức quyết định mua chiếc Beechcraft King Air 350 thì Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa niêm yết. Người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam năm 2009 cũng tỏ ra rất thoải mái với báo chí khi trả lời về việc mua máy bay riêng của mình.
![]() |
Ông Trần Đình Long mua máy bay khi Tập đoàn Hòa Phát đã niêm yết. Ảnh: Lê Minh Tuấn |
Trong khi đó, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát quyết định mua máy bay trực thăng riêng khi công ty đã niêm yết trên sàn chứng khoán. Dù dùng tiền cá nhân nhưng do thông tin có thể gây ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Hòa Phát nên ông Long phải công bố thông tin tại đại hội cổ đông. Cũng kể từ thời điểm công bố thông tin mua máy bay, vị chủ tịch vốn ít xuất hiện trước công chúng thường xuyên phải lên báo vì chiếc trực thăng.
Tương tự như ông Đức, vị Chủ tịch của Hòa Phát dự kiến chủ yếu sử dụng máy bay cho công việc của công ty. Tuy nhiên, các vấn đề xoay quanh chi phí vận hành chiếc trực thăng này dù nó chưa cất cánh bay chính thức một giờ nào cho việc cá nhân của ông Long hay Tập đoàn Hòa Phát, cũng khiến dư luận xôn xao bàn tán. Trao đổi với VnExpress.net, ông Long cho biết, việc sử dụng máy bay trực thăng của ông cũng giống như Chủ tịch của Hoàng Anh Gia Lai – Đoàn Nguyên Đức. Tuy nhiên, ông này không mấy thoải mái khi bị báo chí hỏi quá nhiều về chiếc máy bay riêng trong một thời gian ngắn.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán có mối quan hệ với cả 2 doanh nhân nói trên cho biết: “Anh Đức vốn đã quen với việc trả lời những chuyện của cá nhân với giới truyền thông nên khá thoải mái. Còn anh Long thì vốn ít xuất hiện, không quen trả lời nhiều về việc của cá nhân, kèm theo việc bị để ý quá mức vì chiếc trực thăng nên không thoải mái cũng là điều dễ hiểu”.
Ông này phân tích, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán vốn đã ở vào giai đoạn trầm lắng, giá của các cổ phiếu hầu hết đều đi xuống nên các thông tin nhạy cảm rất dễ làm cổ đông tức giận. Việc mua máy bay bằng tiền cá nhân để phục vụ cho nhu cầu của Tập đoàn Hòa Phát xét ở phương diện bình thường là rất tốt nhưng trong điều kiện hiện nay, hành động này có thể bị hiểu theo một hướng khác.
Còn với ông chủ của Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển, sự việc đơn giản hơn. Ông này chỉ phê duyệt đề xuất mua máy bay của một công ty con thuộc tập đoàn chứ không quyết địnhh mua máy bay riêng. Công ty dự kiến mua cũng như công ty mẹ là T&T chưa phải là đơn vị niêm yết nên sự chú ý cũng như sức ép từ phía các cổ đông chưa lớn.
Cũng vì thế, ông Hiển tỏ ra khá thoải mái khi bình luận về quyết định cho phép mua máy bay của mình. Chủ tịch của T&T cho rằng, khi phân tích thấy có nhu cầu mua máy bay phục vụ công việc thì nó cũng đơn giản như việc đầu tư vào dây chuyền sản xuất hay nhà máy. Tuy nhiên, ông Hiển cho biết chưa có nhu cầu mua máy bay cho mục đích cá nhân.
Bình luận về việc mua máy bay riêng của ông Đức và Chủ tịch Hòa phát, ông chủ của Tập đoàn T&T nói với VnExpress.net: “Tôi nghĩ anh Đức và anh Long mua máy bay chủ yếu phục vụ cho công việc của công ty mà thôi. Cái này thực chất là các anh ấy phải bỏ tiền riêng phục vụ cho lợi ích của cổ đông, chứ chẳng phải ham hố gì khác”.
Hồng Anh - Hoàng Ly