Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của CNN, nhiều triệu phú Trung Quốc cho hay họ không còn thể hiện được địa vị xã hội của mình nếu chỉ mua những chiếc túi xách đắt tiền.
Thay vào đó, họ sẽ nâng cao vị thế bằng cách tậu vài căn biệt thự ở California hay Sydney, hay tham gia vào một chuyến du lịch có một không hai trong đời. Khoe những trải nghiệm mới mẻ và không kém phần tốn kém này trên mạng xã hội đang là cách thể hiện đẳng cấp được ưa chuộng ở Trung Quốc, hơn hẳn việc sở hữu chiếc túi xách Louis Vuitton mới nhất.
Hàng hiệu 'mất giá'
Trong 10 năm trở lại đây, Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ nhiều hàng xa xỉ nhất thế giới, chiếm một phần ba doanh số toàn cầu.
6 tháng qua, mỗi tuần Trung Quốc có thêm một tỷ phú mới và lượng triệu phú cũng tăng gấp đôi so với 2010. Những con số này khiến nhiều người kỳ vọng rằng thị trường hàng hiệu sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Thế nhưng thực tế cho thấy điều hoàn toàn ngược lại.
Theo số liệu từ Công ty Nghiên cứu thị trường Trung Quốc, thị trường hàng xa xỉ tại nước này bị suy giảm trong vòng một năm trở lại đây. Mức tăng trưởng trong năm 2015 dự kiến giảm 2%.
Thương hiệu thời trang Prada công bố lợi nhuận giảm tới 44% trong quý II năm 2015 do sức mua tại Trung Quốc xuống thấp. Cùng chung số phận, lượng hàng bán ra trong quý I tại châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Kering – chủ sở hữu của những thương hiệu lớn như Gucci, Alexander McQueen và Stella McCartney giảm 10%. Ngay cả Louis Vuitton cũng đang gặp khó khăn.
Chiến dịch truy quét tham nhũng mạnh tay của Chủ tịch Tập Cận Bình gây ảnh hưởng tới sức mua của thị trường nhưng đó không phải là lý do duy nhất. Chính sự thay đổi trong khẩu vị của các đại gia Trung Quốc, từ chỗ say mê những món đồ đắt tiền chuyển sang theo đuổi những trải nghiệm kỳ thú, đã gây ra sự sụt giảm trên.
Đẳng cấp độc, lạ
Thị trường đầu tiên được hưởng lợi từ sự dịch chuyển xu hướng trên là du lịch quốc tế. Các đại gia Trung Quốc muốn tới những nơi mà chưa có đồng bào nào của họ đặt chân đến. Họ say mê những cuộc đi săn ở châu Phi và nghỉ lại ở những nhà trọ hiện đại và cao cấp nhất như ở khu bảo tồn Singita.
Họ thậm chí muốn thám hiểm Nam Cực. Trung Quốc đang là thị trường du lịch Nam Cực tăng trưởng mạnh mẽ nhất. Hơn 2.300 du khách đại lục đã tới vùng đất lạnh giá này chỉ tính từ tháng 11/2011 đến tháng 3/2012.
Nếu tính theo đầu người, người Trung Quốc là những du khách chịu chi nhất đối với Mỹ và Thế vận hội Olympics 2012 ở Luân Đôn.
Năm ngoái, trong cuộc phỏng vấn tại một khách sạn 6 sao sang trọng tại Dubai, một nữ tỷ phú Trung Quốc tỏ ra chán nản và ủ rũ. Khi được hỏi nguyên nhân, bà chỉ đơn giản trả lời rằng "có quá nhiều người Trung Quốc xung quanh". Bà muốn được tới những nơi mà ít người Trung Quốc được đặt chân đến, để có thể chia sẻ trải nghiệm đó trên mạng xã hội.
Không tiếc tay chi tiền cho du lịch, giới nhà giàu Trung Quốc muốn sở hữu những món đồ có một không hai trên thế giới. Họ hiện đang dẫn đầu thị trường mua bán các tác phẩm nghệ thuật cao cấp toàn cầu.
Mới đây, Wang Jianlin, người đàn ông giàu nhất châu Á với khối tài sản trị giá 35 tỷ USD, đã mua một bức tranh của danh họa Picasso với giá 28,2 triệu USD.
Wang Zhongjun, nhà đồng sáng lập công ty truyền thông Huayi Brother, cũng đem về một tác phẩm của danh họa Van Gogh với giá 62 triệu USD.
Tuấn Vũ