4 tháng sau khi chuyển nhượng 24 triệu cổ phiếu HSG cho Công ty riêng Tam Hỷ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen - Lê Phước Vũ lại vừa chuyển tiếp 3 triệu chứng khoán cho đơn vị này. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của ông Vũ tại Tập đoàn Hoa Sen giảm xuống còn 16,47%, thay vì hơn 44% trước đó.
Đây không phải trường hợp duy nhất chuyển sở hữu cổ phiếu cá nhân cho công ty riêng thời gian qua. Hồi đầu tháng 6, bốn lãnh đạo của Công ty cổ phần Thế giới Di động từng có động thái tương tự, ngay trước khi doanh nghiệp lên sàn. Chủ tịch Nguyễn Đức Tài và CEO Trần Lệ Quân đã bán tổng cộng hơn 20 triệu cổ phiếu, đưa tỷ lệ sở hữu cá nhân từ hơn 16% xuống còn 1-2% mỗi người. Bên mua là Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ và TNHH Tri Tâm do chính 2 vị này quản lý, điều hành.
Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương - Hà Văn Thắm hiện cũng chỉ đứng tên cá nhân 1,1% vốn, nhưng nếu tính cả cổ phần ở công ty riêng - doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, con số này có thể lên tới 44,37%, theo báo cáo thường niên 2013.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng đang để hầu hết cổ phần cho Công ty TNHH NDH Việt Nam đứng tên.
Khi công bố thông tin, đa phần lãnh đạo đều cho biết lý do chuyển nhượng là để “tiện quản lý cổ phiếu”. Điều này bao gồm cả trách nhiệm công bố thông tin khi phát sinh giao dịch sẽ được chuyển cho tổ chức, thay vì cổ đông cá nhân phải thực hiện. Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo tại Thế giới Di động còn nêu lý do “không muốn hiện diện trên thị trường” nên phải chuyển cổ phiếu sang công ty riêng. Vị này cũng nhấn mạnh doanh nghiệp riêng chỉ đóng vai trò cổ đông, chứ không liên quan đến hoạt động kinh doanh của Thế giới Di động.
Giới phân tích cho rằng những lý do nêu trên chỉ là phụ, đưa cổ phần cá nhân sang công ty riêng có thể mang lại nhiều lợi ích hơn thế, chẳng hạn như giảm số thuế phải nộp. Theo quy định, cổ tức trả bằng tiền mặt sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Đây có thể là số tiền không nhỏ đối với các cổ đông có sở hữu cá nhân vài triệu cổ phiếu.
Ngược lại, nếu cổ đông là tổ chức, khoản tiền này không bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trao đổi với VnExpress, chuyên viên tư vấn thuế tại một đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính của nước ngoài cho biết các khoản cổ tức do đơn vị niêm yết trả được trích từ lợi nhuận sau thuế. Theo nguyên tắc, khoản cổ tức này sẽ được hạch toán vào phần doanh thu hoạt động tài chính tại công ty quản lý cổ phiếu và không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Một chuyên gia tư vấn tài chính có thâm niên ở TP HCM tiết lộ chuyển nhượng cổ phiếu sang công ty riêng là biện pháp mà rất nhiều lãnh đạo công ty áp dụng, chủ yếu ở những đơn vị tư nhân hoặc mô hình gia đình với tỷ lệ sở hữu cá nhân cao. “Bằng phương thức này, các lãnh đạo còn có thể có nhiều cách phân bổ chi phí sao cho có lợi nhất đối với đơn vị niêm yết", ông khẳng định.
Chẳng hạn, một lãnh đạo đảm nhiệm chức chủ tịch tại hai công ty cổ phần (đã niêm yết) và TNHH có thể đi tiếp khách hoặc mua sắm thêm tài sản cố định, phục vụ lợi ích cho chính doanh nghiệp đang niêm yết. Tuy vậy, do cả hai đơn vị đều có chung một chủ tịch, khoản chi này vẫn có khả năng được chuyển thành chi phí của công ty TNHH trong khi lợi ích tại doanh nghiệp niêm yết không thay đổi.
Thông thường các công ty quản lý tài sản này là dạng TNHH nên không thuộc diện phải công bố thông tin. Do vậy, kết quả kinh doanh lỗ lãi ra sao chỉ người trong cuộc mới biết. Theo ông, việc có thể đưa chi phí sang công ty cá nhân sẽ giúp doanh nghiệp chính (đơn vị niêm yết) có lợi nhuận tốt hơn, ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu.
“Dĩ nhiên công ty cá nhân quản lý tài sản chứng khoán sau đó cũng được hưởng lợi. Đồng thời, trong một số trường hợp hy hữu, xuất hiện thông tin bất lợi cho doanh nghiệp chính hoặc cá nhân lãnh đạo thì có thể lấy công ty đại diện này chịu thay”, ông tiết lộ.
Một lý do nữa cũng được các chuyên gia đề cập đến là trị giá lợi nhuận công ty quản lý tài sản có thể tạo ra nếu được cổ phần hóa. Giám đốc tư vấn đầu tư của một công ty chứng khoán ngoại tại TP HCM cho biết trong vai trò là doanh nghiệp TNHH, nếu có thêm hoạt động kinh doanh hiệu quả, lãnh đạo có thể tính chuyện cổ phần hóa. Biện pháp này giúp công ty dễ dàng tăng vốn và mở rộng kinh doanh, lợi nhuận thu về sẽ lớn hơn gấp nhiều lần so với trị giá cổ phiếu khi chỉ đứng tên cá nhân.
Về mặt nguyên tắc, chuyên gia này nhận định những lãnh đạo trên đều thực hiện đúng mọi điều lệ của luật doanh nghiệp và thuế nên khó có thể coi là vi phạm. Tuy vậy, đây có thể xem là kẽ hở trong công tác quản lý khiến nhiều lãnh đạo công ty tránh khoản thuế còn doanh nghiệp niêm yết đỡ được phần nào chi phí.
Trao đổi với VnExpress, Luật sư Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn VFAM Việt Nam (đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ thuế) chia sẻ hiện thời trong nước chưa có quy định nào về việc chuyển, góp vốn giữa các cá nhân và công ty riêng. Theo ông, hình thức này cũng có thể giúp các lãnh đạo tránh khoản chi phí trường hợp có thể chuyển sang công ty cá nhân. Tuy nhiên, những khoản chi đa phần khó có thể lớn, chẳng hạn chỉ phù hợp với chi phí tiếp khách của công ty niêm yết.
Còn “đối với tài sản, hàng hóa có giá trị lớn, các đơn vị thuế vẫn có những nguyên tắc rất nghiêm ngặt để quản lý. Chẳng hạn công ty chỉ có vài nhân viên thì không thể được chấp nhận các khoản chi mua nhiều ôtô giá trị chục tỷ đồng”, ông Tiền phân tích.
Tường Vi