Với tổng tài sản gần 42,5 tỷ USD sự "ra đi" của MF Global rõ ràng chưa thể so sánh với vụ sụp đổ đình đám của Lehman Brothers năm 2008 (tổng tài sản lúc đó là gần 640 tỷ USD). Tuy nhiên, đây vẫn được xem là cú đánh mạnh vào lòng tin của nhà đầu tư khi xảy ra vào một trong những thời điểm nhạy cảm của kinh tế thế giới - nỗi lo suy thoái kép chưa qua, lòng tin chưa được khôi phục.
Đồng chủ tịch đã Jon Corzine thất bại trong nỗ lực cứu vãn MF Global. Ảnh: Bloomberg |
MF Global phải nộp đơn xin phá sản lên tòa án Mỹ sau khi công bố khoản đầu tư trị giá 6,4 tỷ USD vào trái phiếu tại châu Âu và đang có khả năng lỗ nặng. Trước đó, hãng này cũng đã công bố khoản lỗ trị giá gần 192 triệu USD trong quý III.
Ngay sau khi MF Global nộp đơn phá sản, Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) đã cho ngừng giao dịch cổ phiếu của công ty này. Các tài sản của MF Global dự kiến sẽ được bán cho một hãng môi giới khác là Interactive Brokers Group, trong khi số phận của hơn 2.000 nhân viên đang làm việc vẫn chưa được quyết định.
Sự sụp đổ của MF Global cũng ảnh hưởng lớn đến 2 gã khổng lồ của làng tài chính thế giới là JP Morgan và Deutsche Bank. Đây là 2 chủ nợ lớn nhất của hãng với tổng mức cho vay, theo hãng tin BBC, có thể lên tới 2,2 tỷ USD. Ngay sau khi thông tin về MF Global được phát đi, cổ phiếu của JP Morgan và Deutsche Bank niêm yết tại NYSE giảm lần lượt 3,3% và 8,7%.
Tin tức này cũng làm chao đảo thị trường chứng khoán thế giới khi S&P 500 Index của chứng khoán Mỹ sụt 2,5% trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10, xuống thấp nhất trong tháng. Các thị trường tại châu Á cũng giảm mạnh trong phiên sáng nay khi MSCI Châu Á - Thái Bình Dương giảm 0,5%, xuống dưới 780 điểm vào cuối buổi sáng. Các chỉ số Nikkei 225 (Nhật), Hang Seng (Hong Kong, Trung Quốc) và ASP/ASX 200 (Australia) đều giảm 0,75 - 1,2%.
Nhật Minh