Báo cáo tài chính vừa được Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã CK: QNS) công bố ghi nhận doanh thu thuần quý IV/2017 không biến động nhiều so với cùng kỳ năm trước, vẫn giữ mức xấp xỉ 1.710 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đồng loạt tăng mạnh nên lợi nhuận sau thuế của công ty giảm gần 45%, xuống còn 333 tỷ đồng.
Theo lý giải của ban lãnh đạo Đường Quảng Ngãi, hai nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất đến kết quả kinh doanh giai đoạn cuối năm là giá bán sản phẩm đường RS tiếp tục giảm mạnh và không trích lập, hoàn nhập Quỹ khoa học công nghệ lên đến 90 tỷ đồng như cùng kỳ năm trước.
Lũy kế doanh thu thuần cả năm đạt 7.643 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm trước. Trong khi đó, chênh lệch giá vốn bán hàng không tương ứng nên sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 1.016 tỷ đồng, giảm gần 28%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu theo đó cũng giảm xuống còn 4.937 đồng.
Dù kết quả kinh doanh cao gấp 5 lần so với kế hoạch khiêm tốn đề ra hồi đầu năm, nhưng việc tăng trưởng âm càng củng cố quan điểm của nhiều công ty chứng khoán về vị thế “ngôi vương” trong mảng sữa đậu nành của Đường Quảng Ngãi đang bị lung lay khi nhiều tân binh mới tham gia thị trường.
Với quy mô lớn và thị phần gần như tuyệt đối, việc đánh bật Đường Quảng Ngãi tại thị trường sữa đậu nành là điều khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh đang gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kỳ vọng tăng trưởng của công ty - điều mà theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã khiến giá cổ phiếu của Đường Quảng Ngãi giảm mạnh trong thời gian gần đây.
Hiện, một trong những rủi ro với công ty là danh mục sản phẩm hiện tại chưa đủ đa dạng để tăng sức cạnh tranh. Từ năm 2013 đến nay, doanh nghiệp chiếm hơn 84% thị phần sữa đậu nành có thương hiệu liên tiếp cải tiến sản phẩm nhưng chưa ghi nhận thành công nào rõ nét. Trong khi các doanh nghiệp cùng ngành có đến 5-6 sản phẩm khác nhau liên quan đến sữa đậu nành thì công ty mới có hương vị socola và mè đen.
Ông Võ Thành Đàng – Chủ tịch HĐQT Đường Quảng Ngãi từng cho biết, dù chịu sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt từ các doanh nghiệp mới tham gia thị trường nhưng công ty vẫn tự tin giữ vững vị trí dẫn đầu và chinh phục mục tiêu doanh thu một tỷ USD trong vòng 10 năm tới.
“Tiềm năng ngành hàng này tại Việt Nam rất lớn, hơn 65% hộ gia đình ở thành thị và hơn 50% hộ gia đình ở nông thôn chưa được đáp ứng tốt nhu cầu sữa đậu nành nên tổng mức tiêu thụ trong bốn năm tới có thể lên đến 900 triệu lít. Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, công ty vừa khánh thành nhà máy ở Bình Dương để rút ngắn thời gian vận chuyển sản phẩm cho thị trường phía Nam và cân nhắc kế hoạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”, ông Đàng nói.
Đối với mảng đường, Việt Nam chính thức bãi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với sản phẩm này Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN từ đầu năm nay nên đường Thái Lan - vốn có chi phí sản xuất thấp hơn sẽ tràn vào Việt Nam và cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm trong nước. Tuy nhiên, ban lãnh đạo công ty vẫn khẳng định đủ sức “chống chọi” nhờ đã đầu tư mạnh tay để phát triển vùng nguyên liệu với năng suất bình quân 74 tấn trên một hecta.
Phương Đông