Chỉ tiêu này được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nêu trong báo cáo thường niên vừa công bố.
Đơn vị đang quản lý 22 sân bay trong nước cho biết năm nay, thị trường vận tải hàng không Việt Nam được đánh giá phục hồi rất tích cực trên cả hai phân khúc quốc tế và nội địa. Trong đó, theo ACV, thị trường quốc tế được kỳ vọng là điểm sáng nổi bật trong bức tranh của ngành hàng không năm 2023 với sự tăng trưởng mạnh mẽ từ Đông Bắc Á.
Trên cơ sở này, ACV lên kế hoạch phục vụ 118 triệu lượt khách năm nay, tăng 20% so với năm ngoái. Số lượt cất hạ cánh đạt 777.000, tăng 17%. Nhờ đó, đại gia sân bay này dự kiến doanh thu khoảng 19.360 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm ngoái và cao hơn khoảng 1.000 tỷ đồng so với trước dịch năm 2019. Đây cũng là mục tiêu doanh thu cao nhất từ trước đến nay của ACV.
Tuy nhiên, với chỉ tiêu lãi, doanh nghiệp vẫn thận trọng với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 8.488 tỷ đồng. Con số này kém năm 2022 khoảng 3,4% và chỉ bằng 83,5% năm 2019.
Theo công ty, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu liên tục tăng ảnh hưởng đến các chi phí vận hành khai thác. Bên cạnh đó, với việc thị trường nội địa tăng trưởng mạnh, vượt ngưỡng giai đoạn trước dịch năm 2019 dẫn đến một số áp lực về công tác vận hành khai thác một vài nhà ga đang bị quá tải. Tình hình tài chính của các hãng bay vẫn khó khăn cũng ảnh hưởng đến việc thanh toán các hợp đồng mới, cũng như việc thanh toán công nợ với ACV.
Kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2023 của ACV khoảng 32.900 tỷ đồng. Tổng công ty này cho biết sẽ tập trung nguồn lực thực hiện các dự án trọng điểm như cảng hàng không quốc tế Long Thành thành phần 3 giai đoạn 1, xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng cảng hàng không Điện Biên, mở rộng nhà ga T2 và hạ tầng đồng bộ cảng hàng không quốc tế Nội Bài, xây dựng nhà ga T2 sân bay Cát Bi.
Anh Tú