Theo đánh giá của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), Vinamilk được hầu hết người tiêu dùng và nhóm chuyên gia tham gia khảo sát lựa chọn giữ vị trí số một về độ nhận biết thương hiệu. Đây cũng là công ty có số lượng thông tin bao phủ và có ảnh hưởng truyền thông lớn nhất hiện nay.
Riêng đối với sản phẩm sữa và các chế phẩm từ sữa, Vinamilk được nhiều người tiêu dụng lựa chọn với tỷ lệ đánh giá đạt 30% so với 18%. Đứng vị trí thứ hai là Masan còn top 3 thuộc Acecook Việt Nam.
Đây là năm đầu tiên Vietnam Report công bố bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống.
Bảng xếp hạng này được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan dựa trên 3 tiêu chí. Một là năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất như tổng tài sản, tổng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, hiệu quả sử dụng vốn… (chiếm 30% trọng số điểm).
Bên cạnh đó là uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng (30% trọng số điểm)
Vietnam Report cũng khảo sát online về mức độ nhận biết và sự hài lòng của khách hàng với các sản phẩm, dịch vụ của công ty. Ngoài ra còn khảo sát chuyên gia đánh giá vị thế của các công ty trong ngành và khảo sát doanh nghiệp được thực hiện trong tháng 9/2017 về quy mô thị trường, lao động, vốn, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, kế hoạch hoạt động trong năm 2017… (chiếm 40% trọng số điểm).
Vinamilk có hệ thống 10 trang trại đang hoạt động, đều có quy mô lớn với toàn bộ bò giống nhập khẩu từ Australia, Mỹ, và New Zealand. Hệ thống trang trại Vinamilk đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P.. Trang trại bò sữa organic tại Đà Lạt vừa khánh thành vào tháng 3/2017 cũng đạt được tiêu chuẩn Organic châu Âu do Tổ chức Control Union (Hà Lan) chứng nhận.
Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty là hơn 120.000 con bò, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3 triệu ly sữa mỗi một ngày.
Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi là 1.500 - 1.800 tấn một ngày.
Ngoài 13 nhà máy sản xuất sữa trải dài khắp Việt Nam, Vinamilk còn đầu tư xây dựng nhà máy sữa Angkor tại Campuchia (Vinamilk sở hữu 100%). Doanh nghiệp nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy sữa Miraka (New Zealand), 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ) và đầu tư công ty con tại Ba Lan.
Sản phẩm của Vinamilk hiện cũng có mặt ở hơn 40 nước trên thế giới như Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Canada, Mỹ, Australia.
Kim ngạch xuất khẩu của của Vinamilk từ mức xấp xỉ 30 triệu USD vào năm 1998 đã tăng lên gần 260 triệu USD năm 2016. Toàn bộ quá trình sản xuất của nhà máy đều đạt chuẩn GMP và các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.
Đại gia ngành sữa này còn được tạp chí Forbes Việt Nam nhận định là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam với trị giá 1,7 tỷ USD. Năm nay, doanh nghiệp tiếp tục được tạp chí Forbes toàn cầu đưa vào danh sách 2.000 công ty niêm yết xuất sắc thế giới (Global 2000) và đứng thứ 8 trong số 300 công ty xuất sắc châu Á do tạp chí Nikkei bình chọn.
Huệ Chi