Theo ông Rajit Sukumaran, Giám đốc điều hành IHG tại Đông Nam Á và Hàn Quốc, kế hoạch phát triển của tập đoàn tại Việt Nam được củng cố nhờ tốc độ phục hồi sau dịch của thị trường này, cũng như chiến lược toàn cầu của IHG.
"Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực kiểm soát đại dịch của chính phủ Việt Nam. Tất cả khách sạn của chúng tôi ở đây đều đã đón khách trở lại và ghi nhận sự tăng trưởng về số lượng phòng để nghỉ dưỡng và công vụ", ông Rajit Sukumaran nói.
Tại Việt Nam, IHG đang vận hành 13 dự án với 3.700 phòng, trong đó có hai thương hiệu hạng sang là Six Senses và InterContinental.
Để sẵn sàng đón đầu lượng khách nội địa triển vọng sắp tới và sự phục hồi của ngành du lịch nói chung về dài hạn, IHG cho biết sẽ mang đến thị trường Việt Nam 3 thương hiệu mới là Regent, voco™ Hotels và Hotel Indigo.
Cụ thể, hai khách sạn Regent và voco sắp lần lượt khai trương ở Phú Quốc và Đà Nẵng. Trong khi đó, một khách sạn thương hiệu Indigo ngay tại khu vực Ba Son, quận 1, TP HCM.
Bên cạnh đó, Crowne Plaza, một trong những thương hiệu cao cấp nhất thế giới, cũng đang tiếp tục mở rộng tại Việt Nam khi sắp ra mắt Crowne Plaza Phu Quoc Starbay. Thương hiệu hiện có kế hoạch mở rộng tại những khu vực công nghiệp như Bình Dương, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Cùng với đó, chuỗi Holiday Inn, với dự án đầu tiên là Holiday Inn Resort Hồ Tràm, cũng được lên kế hoạch mở rộng.
Bà Serena Lim, Phó chủ tịch phụ trách Phát triển của IHG tại Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho rằng có nhiều cơ hội để phát triển các thị trường thứ cấp khác, xung quanh Hà Nội và TP HCM. "Chúng tôi muốn phát triển tại các khu vực công nghiệp như Vinh, Hải Dương, Hải Phòng và Bình Dương, cũng như xây dựng các điểm resort phục vụ khách gia đình tại Quy Nhơn, Thanh Hóa - Sầm Sơn, Hòa Bình", vị này nêu mục tiêu.
IHG là đơn vị trực thuộc InterContinental Hotels Group PLC (Anh). Ước tính có 350.000 nhân viên đang làm việc tại các khách sạn và văn phòng công ty của IHG trên toàn cầu. Tập đoàn này hiện sở hữu 16 thương hiệu, vận hành gần 6.000 khách sạn tại hơn 100 quốc gia. Trong lộ trình 5 năm tới, họ có kế hoạch vận hành thêm 1.900 khách sạn.
IHG công bố các kế hoạch này trong bối cảnh 2 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 28.700 lượt, giảm 99,1% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế này chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án, và người nhập cảnh vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ. Trong khi đó, nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch cũng báo cáo sản lượng khách nội địa giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, theo số liệu từ công cụ Destination Insights của Google, nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch nội địa cũng như về cơ sở lưu trú đã tăng mạnh trở lại gần đây. Cuối tháng 2, có thời điểm nhu cầu tìm kiếm thông tin về du lịch tăng đến 30% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch), điều này phản ánh nhu cầu đi lại du lịch của người dân vẫn rất cao và đang bị dồn nén bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, sẵn sàng đi du lịch trở lại khi đợt bùng phát dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh và một số địa phương, đã được kiểm soát.
Ông Sukumaran cho rẳng Việt Nam là một ví dụ cho thấy ngành dịch vụ khách sạn sẽ tiếp tục đi lên theo đà phục hồi Covid-19. "Lịch sử đã cho thấy ngành du lịch sẽ phục hồi và mọi người sẽ quay lại với những thói quen trước đây", ông nói.
Viễn Thông