Tập đoàn Phoenix vừa ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Lộc Trời nhằm phát triển sản xuất lúa gạo bền vững. Trong bản tuyên bố chung, cả hai cho biết thỏa thuận sẽ mở rộng canh tác lúa gạo bền vững trên 10.000 ha, với sự tham gia của khoảng 10.000 nông hộ nhỏ tại Việt Nam.
Mục tiêu hướng tới là cung cấp gạo chất lượng cao với khả năng truy xuất nguồn gốc hoàn toàn, giảm dư lượng hóa chất và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận cũng phù hợp với Diễn đàn Lúa gạo bền vững (SRP) - một liên minh toàn cầu được lập bởi Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI). Theo tổ chức Hiệp ước toàn cầu của Liên Hiệp Quốc, một hệ thống lương thực và nông nghiệp toàn cầu bền vững sẽ tạo ra giá trị kinh tế mới hơn 2.000 tỷ USD vào năm 2030.
Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2.6 triệu USD (5,9 triệu tấn). Dự kiến năm nay, kim ngạch cán mốc 3 triệu USD (7 triệu tấn). Xuất khẩu gạo từ Việt Nam đang chiếm 17-18% giao thương lúa gạo toàn cầu.
Tăng trưởng trong quá khứ của ngành gạo dựa trên sản xuất thâm canh gạo chất lượng thấp, xuất khẩu với giá rẻ sang các thị trường châu Á, châu Phi và Trung Đông theo các hợp đồng chính phủ. Năm 2016, Việt Nam quyết định tái cơ cấu ngành lúa gạo, đánh dấu bước chuyển từ an ninh lương thực sang an toàn thực phẩm, từ số lượng sang chất lượng. Ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lộc Trời cho biết hợp tác sẽ giúp gạo Việt Nam mở rộng thị trường tiêu thụ, gia nhập nhanh hơn vào mạng lưới thương mại gạo quốc tế.
Tập đoàn Phoenix được đăng ký tại Trung tâm đa hàng hóa Dubai (DMCC) ở UAE. Đây là doanh nghiệp kinh doanh gạo lớn thứ hai thế giới, luân chuyển 10 triệu tấn hàng hóa vào năm ngoái. Tập đoàn hiện đang quản lý khoảng 150.000 ha đất canh tác nông nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau.
Phoenix cũng là một trong những khách hàng giao dịch chính của gạo Việt Nam, hoạt động kinh doanh được hỗ trợ bởi đầu tư cơ sở hạ tầng vào các cơ sở xay xát liên doanh ở đồng bằng sông Cửu Long.
Viễn Thông