Thông tin trên được ông Stanley Huang, Giám đốc điều hành SP Group chia sẻ ngày 11/5 tại TP HCM. Theo đó, tổng vốn đầu tư này nhằm giúp tập đoàn đến từ Singapore đạt tham vọng phát triển danh mục năng lượng tái tạo tại Việt Nam là 1.000 MW vào năm 2025.
Đối với ngành năng lượng châu Á - Thái Bình Dương, SP Group không phải là cái tên xa lạ. Tập đoàn này trực thuộc Temasek và đã đầu tư kinh doanh tại Australia, Trung Quốc, Thái Lan trước khi đến Việt Nam. Họ có 3.600 nhân sự, doanh thu 3,5 tỷ đôla Singapore mỗi năm.
Thực tế, "đại gia" ngành điện này đã bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam vào tháng 2/2021, với công ty con là SP Energy Vietnam. "Việt Nam là một thị trường quan trọng của chúng tôi", ông Stanley Huang khẳng định.
Ở thị trường Việt Nam, SP Group sẽ tham gia hai mảng chính là điện mặt trời áp mái và giải pháp làm mát khu vực, thông qua hình thức liên doanh đầu tư và đối tác kênh. Tham vọng của công ty này trong từng mảng cũng không nhỏ. "Chúng tôi muốn trở thành nhà điều hành năng lượng mặt trời áp mái đứng đầu thị trường", ông Stanley Huang tuyên bố.
Công ty cũng đã có những dự án đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 7/2021, công ty rót 49% vốn vào một liên doanh với Bamboo Capital để phát triển các dự án năng lượng mặt trời công suất 500 MW vào năm 2025. Khách hàng đơn cử là Vinamilk.
Đến quý III/2021, họ bắt đầu khởi động quan hệ hợp tác với 4 đối tác kênh chính, bao gồm CJ Olivenetworks Vina. Mục tiêu là phát triển xấp xỉ 200 MW công suất các dự án năng lượng mặt trời áp mái vào năm 2024.
Tính tổng cộng đến nay họ đã xây dựng xong được 100 MW điện mặt trời áp mái cho cả hai hình thức kinh doanh, với đội ngũ nhân sự khoảng 15 người. Họ định mở rộng tuyển dụng để có 40 nhân sự đến cuối năm nay.
Trong khi đó, mảng làm mát khu vực là một thị trường hoàn toàn chưa có ở Việt Nam. Về cơ bản, giải pháp này là xây dựng một hệ thống cung cấp khí làm mát từ một nhà máy sản xuất trung tâm đến nhiều tòa nhà văn phòng.
Ví dụ, khu vực Vịnh Marina của Singapore đang vận hành mạng lưới làm mát khu vực dưới lòng đất lớn nhất thế giới. Đi vào hoạt động từ 2006, một nhà máy được xây dựng ngầm, cung cấp khí làm mát cho 23 tòa nhà văn phòng và hệ thống tàu điện tại đây.
SP Group tính toán giải pháp này đã giảm 30% năng lượng tiêu thụ so với hệ thống làm mát thông thường, tương đương 20.000 tấn khí thải carbon hàng năm. "Chúng tôi nhận thấy tiềm năng rất lớn ở Việt Nam vì khí hậu tương đồng với Singapore nên nhu cầu làm mát cao", ông Stanley Huang đánh giá.
Trong chuyến công tác của mình đến Việt Nam, ông Stanley Huang cho biết đã tiếp xúc chủ một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu tại đây. Phía doanh nghiệp này ủng hộ ý tưởng về làm mát khu vực. Do vậy, cơ hội kinh doanh cho SP Group có thể là các khu đô thị mới.
Tuy nhiên, ông Stanley Huang cũng xác nhận cơ hội lớn hơn nằm ở khu vực trung tâm các thành phố lớn, với nhiều cao ốc văn phòng hiện hữu. Cung cấp được giải pháp cho các khu vực này mới góp phần tiết kiệm năng lượng đáng kể. Nhưng việc tiếp cận sẽ không dễ dàng vì liên quan đến cơ sở hạ tầng công cộng, chính sách quản lý.
Bài toán tương tự được thành phố Thành Đô (Trung Quốc) giải là cấp phép cho công ty thử nghiệm với 5 tòa nhà. SP Group tiến hành tháo dỡ hệ thống làm lạnh của từng tòa nhà, xây dựng hệ thống làm lạnh và điều khiển trung tâm kết nối chúng lại với nhau dưới lòng đất. "Cách tiếp cận của họ là muốn chúng tôi có dự án trình diễn quy mô nhỏ nếu thành công thì được mở rộng", ông nói.
Từ kinh nghiệm này, ông cho rằng để thực hiện được ở Việt Nam cũng phải cần sự ủng hộ của chính quyền địa phương. "Có thể cần những thay đổi về mặt chính sách quản lý năng lượng để thị trường này phát triển", ông nói.
Viễn Thông