Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group do gia đình tỷ phú Thái Lan Chirathivat vừa nắm quyền điều hành sau khi mua lại 49% cổ phần Công ty Đầu tư phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim. Sau các thương vụ mua bán - sáp nhập liên tiếp của người Thái gần đây, việc đại gia bán lẻ Nguyễn Kim trở thành người một nhà với đối tác ngoại đã khiến thị trường không khỏi tò mò về hoạt động của doanh nghiệp phân phối điện máy từng có doanh thu lớn nhất cả nước.
Thành lập năm 2001, quãng thời gian 10 năm đầu được đánh giá là thăng hoa đối với Nguyễn Kim, đặc biệt là giai đoạn 2007-2010. Trong bối cảnh thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam liên tục tăng, thuế nhập khẩu các mặt hàng điện tử giảm còn 0-5%, Nguyễn Kim có cơ hội lớn hơn khi nhập khẩu hàng hóa trực tiếp từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, hiện thực hóa chiến lược trở thành nhà phân phối lẻ hàng đầu Việt Nam.
Năm 2011, Nguyễn Kim đạt doanh thu 400 triệu USD, tăng 30% so với năm 2010, lọt top 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương. Giai đoạn này, lãnh đạo Nguyễn Kim công bố chia sẻ trên báo chí một kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, đó là tới năm 2015 sẽ đưa doanh thu đạt 2 tỷ USD, tăng trưởng bình quân 50% mỗi năm, chiếm lĩnh 30-40% thị phần cả nước.
Đại gia này liên tiếp mở rộng trong năm 2012-2013. Từ 4 trung tâm mua sắm ban đầu đặt tại TP HCM và Hà Nội, Nguyễn Kim đầu tư thêm 17 siêu thị trong hai năm, đưa con số hoạt động lên 21 hiện nay.
Tuy nhiên, kế hoạch của Nguyễn Kim vấp phải nhiều cản trở trong bối cảnh sức mua của thị trường giảm sút do suy thoái kinh tế. Giữa năm 2011, để bứt tốc so với đối thủ, Nguyễn Kim khai trương 5 siêu thị mang tên Thế giới số 24G chuyên phân phối các sản phẩm của Nokia, Samsung, LG, HTC... Sau vài tháng hoạt động, doanh nghiệp buộc phải chấm dứt mô hình này để quay về mảng kinh doanh cốt lõi phân phối hàng điện máy gia dụng.
Đầu tư lớn trong giai đoạn 2012 - 2013, song kết thúc năm tài chính 2013, báo cáo của công ty chứng khoán Bualuang (Thái Lan) cho biết doanh thu của Nguyễn Kim mới đạt hơn 8.400 tỷ đồng, còn cách xa con số mục tiêu tăng trưởng 50% mỗi năm cũng như mức 40.000 tỷ đồng vào năm 2015.
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên về phân phối hàng điện máy nhận định, khi doanh nghiệp đầu tư mở rộng kinh doanh cần phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi những năm đầu sẽ phải chịu khấu hao lớn, thậm chí có thể lỗ. "Nếu không tính toán cẩn thận, công ty có thể mất cân đối tài chính", vị này chia sẻ. Trên thực tế, sự ra đi của những siêu thị điện máy tên tuổi một thời như Wonderbuy, HomeOne... là minh chứng cho việc không quản lý được chi phí.
Một nguồn tin của VnExpress cũng cho hay,tại thị trường TP HCM, 2 năm gần đây tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận tiếp tục chững lại dù Nguyễn Kim đã xoay sở với nhiều cách thức kinh doanh khác nhau. Nguyễn Kim càng khó khăn hơn khi đẩy mạnh đầu tư đa ngành khi san sẻ vốn vào các lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, du lịch...
Ở lĩnh vực nông nghiệp, đơn vị này góp vốn vào một số công ty lương thực địa phương như Docimexco, Angimex, Lương thực Thực phẩm Vĩnh Long, Sài Gòn Lương thực, Hoàn Mỹ. Giai đoạn 2009-2010, các đơn vị này hoạt động khá thuận lợi và mang về khoản lợi nhuận lớn cho công ty cũng như cổ đông. Tuy nhiên, từ 2011 trở đi, lợi nhuận các công ty này sụt giảm rất nhanh.
Báo cáo tài chính của Angimex cho thấy lợi nhuận sau thuế của công ty liên tục giảm năm 2012 và 2013, với mức 30% và 38%. 9 tháng đầu năm 2014, công ty còn lãi vỏn vẹn 7,6 tỷ đồng, so với mức 50 tỷ đồng năm 2012.
Docimexco, công ty mà Nguyễn Kim sở hữu 48,34% còn rơi vào cảnh lỗ nặng, tổng cộng hơn 210 tỷ đồng trong năm 2013 và 9 tháng đầu năm 2014. Chi phí tài chính (chủ yếu là lãi vay) của đơn vị này cũng tăng cao, khi mà thời điểm 30/9/2014, nợ phải trả đạt 276 tỷ đồng, vượt tổng tài sản của công ty (236 tỷ đồng).
Công ty cổ phần lương thực thực phẩm Vĩnh Long, nơi mà Nguyễn Kim đang nắm 23,4% cổ phần cũng không nằm ngoài cục diện trên. Cả năm 2013, công ty lỗ 18 tỷ đồng trong khi doanh thu không hề giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là lượng gạo tồn kho lớn, giá thấp mà chi phí sản xuất cao. Ngoài ra, việc đầu tư nhà máy chế biến thức ăn thủy sản làm công ty này gia tăng chi phí. Tình cảnh lỗ này tiếp diễn khi 9 tháng đầu năm 2014, đơn vị này lỗ thêm 8,5 tỷ đồng.
Ở ngành dược phẩm, Nguyễn Kim nắm giữ lượng lớn cổ phần tại các công ty ở khu vực Nam Bộ, bao gồm dược phẩm 3/2 (FT Pharma) với 37,68% và dược Lâm Đồng 24%.
Với việc mua lại 49% cổ phần của Nguyễn Kim, đối tác Thái Lan kỳ vọng sự họp tác sẽ mang lại tương lai "sáng sủa" hơn cho doanh nghiệp điện máy này. "Thương vụ mua cổ phần sẽ giúp tận dụng thế mạnh của hai bên phát triển mảng bán lẻ", đại diện Central Group Việt Nam thông tin. Hãng này cũng trực tiếp cử đại diện người Thái Lan kiêm nhiệm chức Tổng giám đốc tại Nguyễn Kim để phục vụ chiến lược kinh doanh mới sau khi hợp tác.
Power Buy là một trong những hãng bán lẻ hàng đầu Thái Lan với 80 cửa hàng trên toàn quốc. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bualuang, Robinson Department Store trực thuộc Central Retail - đơn vị sở hữu 40% cổ phần Power Buy năm 2014 dự kiến đạt doanh thu hơn 24,1 tỷ bath (hơn 730 triệu USD) và sẽ tăng lên trên 27,4 tỷ bath vào năm 2015 và hơn 31,3 tỷ bath vào 2016.
Không đề cập đến giá trị thương vụ, song Bualuang lưu ý trong hồ sơ gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET), doanh nghiệp này chỉ đề cập đến việc hãng đã phát hành một chứng thư bảo lãnh (corporate guarantee) cho Power Buy, bằng 40% tổng số khoản vay trị giá gần 3,8 tỷ baht (115 triệu USD).
Trong khi đó, Forbes Việt Nam cho hay trong thương vụ này Nguyễn Kim được định giá 200 triệu USD. So với mức doanh thu 400 triệu USD năm gần nhất, con số này bằng một nửa.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội nhận định việc mua cổ phần sẽ có tác động hai mặt. Một khía cạnh, Nguyễn Kim có thể vươn lên nhờ sự hậu thuẫn của một đơn vị có tiềm lực mạnh mẽ và vượt qua khó khăn, cũng như việc những đại gia Thái Lan đã hỗ trợ cho Family Mart trước đây hay sắp tới là Metro. "Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước cũng phải cẩn trọng khi không để rơi vào tình trạng cá lớn nuốt cá bé, cổ phần ngày càng teo tóp", ông nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lại lo ngại thương vụ thu mua lại sẽ là minh chứng tiếp theo cho kế hoạch bành trướng của doanh nghiệp Thái Lan trên lãnh thổ Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp trong nước sẽ gặp áp lực rất lớn khi hàng hóa Thái Lan tràn vào, doanh nghiệp nội mất thị phần, teo tóp dần do không đủ sức cạnh tranh.
Huyền Thư - Hồng Châu