9 tháng qua, nhiều nhà thầu xây dựng, các đơn vị đầu tư phát triển dự án bất động sản phía Nam có xu hướng mở rộng kênh đầu tư, hợp tác, huy động vốn với các tổ chức quốc tế. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường nội địa suy yếu và cạn kiệt về tài chính, săn vốn ngoại là một giải pháp có thể mở ra nhiều hy vọng.
Trong 8 tháng đầu năm 2013, Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình đã có nhiều thương vụ liên quan đến khối ngoại. Tháng 7, doanh nghiệp nhận thi công phần kết cấu và hoàn thiện dự án “SORA gardens I” tại Thành Phố Mới Bình Dương với giá trị hơn 400 tỷ đồng. Đây là gói thầu của chung cư cùng tên, thuộc khu đô thị Tokyu Binh Duong Garden City ( FDI của Nhật) - có tổng vốn đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD.
Cuối quý II/2013, Hòa Bình ký hợp đồng quản lý xây dựng Khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại - khách sạn cao cấp GEMS ở Yangon, Myanmar. Trong tháng 5, đơn vị này còn được đối tác ngoại là Tập đoàn Jesco Asia rót hàng chục tỷ đồng để phát triển lĩnh vực thiết kế, thi công cơ điện công trình, nhà xưởng và hạ tầng. Cuối tháng 3/2013, PT. Nikko Securities Indonesia đổ hơn 10 triệu USD mua cổ phiếu HBC với giá cao hơn thị trường. Các thương vụ này phần nào tiếp sức cho doanh nghiệp trong năm 2013 đầy khó khăn.
Không chỉ có Hòa Bình đang trông đợi nhiều vào khối ngoại, Công ty Khang Thông cũng tích cực săn vốn nước ngoài từ các tập đoàn quốc tế để đầu tư vào dự án Happy Land (Long An) và dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội (Bình Định).
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khang Thông, Phan Thị Phương Thảo chia sẻ với VnExpress.net: "Doanh nghiệp chờ dòng vốn từ tỷ phú Ả Rập Thureign Augn và ngân hàng Hypo Commerce Bank. Dự kiến, nhà đầu tư nước ngoài này sẽ rót vốn vào Tập đoàn Khang Thông để đầu tư trực tiếp vào 2 dự án tại Long An và Bình Định".
Bà Thảo cho biết thêm, chỉ tính riêng dự án Happy Land giai đoạn 1 đang thi công tại Long An, Khang Thông đã tiếp nhận hơn chục đối tác nước ngoài. Dự kiến, năm 2014 khu vui chơi giải trí hơn 2 tỷ USD sẽ chạy thử nghiệm một số hạng mục. Nữ doanh nhân này thừa nhận, với tình hình kinh tế trong nước khó khăn, các dự án của bà chủ yếu trông cậy vào các đối tác nước ngoài vì có giai đoạn hợp đồng vay ngân hàng cũng bị cắt. Tuy nhiên, bà Thảo cũng thừa nhận suy thoái kinh tế toàn cầu cũng tác động rất lớn đến dòng tiền của nhà đầu tư quốc tế, do đó tiến độ dự án cũng bị chậm so với dự kiến.
Trong khi đó, một đại gia địa ốc khác, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chỉ tập trung săn cơ hội ngành bất động sản ở thị trường nước ngoài. Nếu như các doanh nghiệp địa ốc khác tìm vốn ngoại thì HAGL lại đi theo chiều ngược lại, đổ tiền ra nước ngoài để chờ thời điểm vàng hái cơ hội.
Chủ tịch Tập đoàn HAGL, Đoàn Nguyên Đức cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, năm 2013 tập đoàn dốc toàn lực vào dự án khu phức hợp tại Myanmar, thị trường Việt Nam chỉ đóng vai trò hậu phương. Bầu Đức đã tăng vốn dự án này từ 300 triệu USD lên thành 440 triệu USD và đẩy nhanh tiến độ xây dựng với kỳ vọng hái tỷ USD khi bất động sản Myanmar nóng lên. "Thị trường trong nước bế tắc, thay vì cứ ngồi im chờ đợi thì đầu tư ra nước ngoài sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn", ông Đức nói.
Đua theo các đại gia địa ốc tìm vốn và săn cơ hội tại thị trường nước ngoài, nhiều chủ đầu tư nhỏ lẻ cũng đặt kỳ vọng vào "bầu sữa ngoại". Chủ đầu tư một dự án chung cư bị đình trệ tại quận 8 tiết lộ đang đàm phán với một số nhà đầu tư châu Á về việc tiếp vốn để tái khởi động dự án. Trong đó đối tác Hàn Quốc bày tỏ sự quan tâm nhiều nhất.
Vị chủ đầu tư này giãi bày: "Thị trường trong nước đóng băng, chúng tôi phải tính đến phương án cầu cứu vốn ngoại. Tuy nhiên thời gian thương thảo hơi dài do phải định giá lại dự án".
Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn Land, Nguyễn Khải Hoàn tiết lộ, trong quý II và III/2013, bộ phận M&A của doanh nghiệp cũng tư vấn thành công 2 giao dịch lớn có yếu tố nước ngoài tham gia, chủ yếu là liên kết, hợp tác đầu tư. "Săn vốn ngoại hay hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài, thậm chí tìm cơ hội ở thị trường mới trong thời điểm bất động sản khó khăn như hiện nay là xu thế tất yếu", ông Hoàn nhận xét.
Chuyên gia này phân tích, sự liên kết, hợp tác này có lợi đôi bên. Khối ngoại cần sự am hiểu địa phương, thủ tục pháp lý, quan hệ, quỹ đất... của doanh nghiệp Việt Nam. Ngược lại, doanh nghiệp trong nước tiếp cận được công nghệ, trình độ chuyên môn cao, sự chuyên nghiệp trong quản lý, và chủ yếu là nguồn tài chính ổn định. "Một thực tế phải chấp nhận là sau khi liên kết, thường là doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát điều hành toàn bộ", ông nói.
Ông Hoàn cho rằng, khi niềm tin của thị trường xuống thấp thì sự tham gia của khối ngoại là một hỗ trợ đắc lực để cải thiện vị thế của các chủ đầu tư. Khảo sát thực tế cho thấy các dự án sau khi liên doanh thường có thanh khoản tốt hơn và doanh nghiệp cũng tiếp cận được nhiều cơ hội hơn.
Chủ tịch Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh địa ốc Hòa Bình, Lê Viết Hải nhận định, liên doanh, liên kết, hợp tác với khối ngoại không chỉ giúp doanh nghiệp nâng cao trình độ quản lý, ổn định nguồn tài chính, cải thiện thanh khoản mà còn giúp mở rộng thị trường. "Khi các kênh đầu tư trong nước bão hòa, đi tìm dòng vốn ngoại và cơ hội ở các thị trường mới là giải pháp khả thi nhất hiện nay", ông Hải nhấn mạnh.
Vũ Lê