Ông Lâm trả lời phỏng vấn ít ngày sau khi đại hội cổ đông Công ty Đức Khải thông qua nghị quyết đầu tư 100 tàu đánh cá với công suất 500-1.500 mã lực và 2 trực thăng để cùng ngư dân bám biển.
- Lý do nào khiến Công ty Đức Khải ra nghị quyết đầu tư 1.500 tỷ đồng mua 100 tàu công suất 500-1.500 mã lực và 2 trực thăng cùng ngư dân bám biển trong bối cảnh Biển Đông đang diễn biến phức tạp thế này, thưa ông?
- Thật ra chúng tôi triển khai dự án chỉ thuần túy vì mục tiêu kinh tế, muốn kinh doanh kiếm lời, không vì động cơ chính trị như những lời đồn thổi. Sinh ra ở xứ biển Bình Thuận, tôi nhận thấy trên bờ làm ăn khó khăn trong khi dưới biển có tiềm năng lớn nên muốn thử sức để tìm cơ hội. Dự án này tôi mới ấp ủ gần 2 tháng, đã lập kế hoạch, hoàn thành đề án và khảo sát xong, đang chờ Chính phủ phê duyệt đồng thời từng bước xúc tiến mua tàu.
Công ty sẽ mua 100 tàu cũ vẫn còn hạn sử dụng 30-40 năm (để cắt giảm một nửa chi phí) từ Nhật, Hàn Quốc. Tổng số vốn để triển khai dự án này hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó chi phí cho đội tàu lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. 95 chiếc là tàu cá chuyên dụng có máy móc kỹ thuật cao để khai thác hải sản tại: Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng. 5 chiếc còn lại phục vụ hậu cần có nhiệm vụ chở lương thực, thực phẩm cho các tàu cá và vận chuyển hải sản về đất liền. Đức Khải cũng dự kiến mua thêm 2 chiếc trực thăng từ châu Âu phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn và các tình huống khẩn cấp.
Để tiện cho việc phân loại, sơ chế và bảo quản hải sản, công ty sẽ mua 2 ụ nổi sức chứa 5.000 tấn đặt tại ngư trường. Đây sẽ là trạm hậu cần có nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì và tiếp tế cho đội tàu cá đồng thời là nơi nghỉ ngơi tạm để ngư dân nghỉ ngơi. Hiện nay tôi đã thỏa thuận mua 45 chiếc tàu dự kiến sẽ về đến Việt Nam trong quý III/2014. Thật ra tôi có ý định sẽ chạy thí điểm trước 12 chiếc tàu cá.
- Tổng mức đầu tư cho dự án không nhỏ, ông thu xếp vốn như thế nào?
- Tôi đang cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này. Nếu sử dụng hoàn toàn nguồn vốn tự có thì áp lực sẽ rất lớn nên nhiều khả năng phải vay với cơ cấu 30% vốn tự có, 70% vay. Tôi đang kiến nghị được vay vốn theo lãi suất ưu đãi ngư dân phát triển kinh tế biển là 3% một năm. Tôi tự tin là mình sẽ được duyệt mức lãi suất này vì khi tham gia đánh bắt hải sản, doanh nghiệp cũng là ngư dân, chỉ khác là quy mô chúng tôi lớn hơn những người đánh bắt nhỏ lẻ.
- Ông dự tính hiệu quả của dự án sẽ thế nào?
- Công ty có hẳn một tổ công tác chuyên trách lĩnh vực này. Chúng tôi chia dự án thành 3 giai đoạn. Đầu tiên trình đề án để Chính phủ và các bộ ngành phê duyệt. Kế đến mua tàu về. Sau đó sẽ tuyển dụng ngư dân làm thuyền viên, tổ chức các đợt đào tạo về đánh bắt, sơ chế. Thuyền viên của chúng tôi sẽ được hưởng lương theo nguyên tắc sau khi đã khấu trừ mọi chi phí hoạt động, phân chia tỷ lệ thu nhập ngư dân 65%, công ty 34%. 1% sẽ đóng góp cho quỹ kiểm ngư. Những mùa mưa bão không đánh bắt được, ngư dân sẽ được nhận trợ cấp không dưới 5 triệu đồng/người/tháng.
Đức Khải sẽ thuê thuyền trưởng cho các đội tàu, phía đối tác bán tàu cho chúng tôi sẽ cử chuyên viên hướng dẫn kỹ thuật vận hành máy móc. Đầu ra công ty cũng có kế hoạch cho cả 2 thị trường. Trong nước hải sản tiêu thụ ở các chợ đầu mối còn quốc tế công ty đàm phán xuất khẩu, bán trực tiếp trên biển cho Nhật. Chúng tôi có 30 tàu lưới rê và lưới vây. 65 tàu còn lại đánh bắt cá ngừ đại dương. Phía đối tác Nhật bao tiêu đầu ra cam kết sẽ hỗ trợ chúng tôi khâu kỹ thuật phân loại sơ chế hải sản theo tiêu chuẩn của họ. Về hiệu quả hoạt động của dự án ước tính 6 năm thu hồi vốn. Từ năm thứ sáu trở đi thuyền viên được mua cổ phần của chính chiếc tàu mà họ tham gia đánh bắt.
- 6 năm hoàn vốn nghe có vẻ hấp dẫn nhưng chắc chắn rủi ro cũng không ít, ông lo ngại điều gì nhất?
- Đúng là có một số rủi ro đáng lưu tâm. Một là vấn đề chính trị liên quan đến tình hình biển Đông. Hai là tâp quán ngư dân Việt Nam hễ được mùa này thì nghỉ mùa sau, thiếu tính liên tục và không ổn định. Ba là một số cơ chế chính sách còn vướng. Tuy nhiên chúng tôi đã có phương án khắc phục. Nếu cứ ngồi đó lo đủ thứ chuyện thì chẳng thể làm được việc gì.
Về bất ổn biển Đông, chúng tôi khẳng định chỉ là doanh nghiệp tư nhân kinh doanh đánh bắt hải sản theo đúng pháp luật Việt Nam và tuân thủ quy định quốc tế. Nếu tàu bị tấn công trên biển, chúng tôi chọn phương án cho thuyền viên ghi lại hình ảnh và tạm thời bơi bằng phao chờ trực thăng cứu hộ trong vòng không quá 30 phút. Công ty cũng mua bảo hiểm cho tàu và thuyền viên. Nhưng tôi không lo bị tấn công vì tàu cá của tôi công suất lớn, tốc độ chạy 12-22 hải lý, nhanh gấp đôi gấp ba tàu cá thông thường.
Về tập quán của ngư dân, chúng tôi sẽ huấn luyện và đưa giải pháp khắc phục bằng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi. 2 ụ nổi là những trạm hậu cần cũng hỗ trợ thuyền viên tạm nghỉ một cách tiện nghi sau khi đánh bắt ngoài khơi. Họ cũng có thời gian nghỉ ngơi hợp lý với gia đình sau những chuyến đi biển.
Tôi quan tâm nhiều nhất lúc này là pháp lý. Quy định hiện hành chỉ cho phép nhập khẩu tàu với vật liệu bằng vỏ sắt đã qua sử dụng không quá 8 năm. Đây là một trở ngại lớn vì trong 100 chiếc tàu tôi nhập về đều đã qua sử dụng 10 năm.
- Vậy ông làm sao khắc phục?
- Tôi sẽ xin thí điểm cho mua tàu cũ, nếu không được chấp thuận tôi có thể chuyển sang thuê tàu. Tại một số nước có công nghệ đóng tàu và đánh bắt thủy hải sản phát triển thì tàu vỏ sắt vận tải xuyên đại dương sử dụng từ 25-30 năm. Tàu chuyên dụng để đánh bắt, khai thác thủy hải sản công suất 500 - 1.500 mã lực sản xuất bằng vật liệu composite, sợi thủy tinh và hợp kim nhôm thời gian sử dụng kéo dài từ 40 - 50 năm. Đội tàu Đức Khải mua tuy mang tiếng là tàu cũ nhưng hạn sử dụng còn đến 30-40 năm, vẫn nằm trong ngưỡng tuổi thọ cho phép.
Chúng tôi đã trình Chính phủ xin một số cơ chế hỗ trợ, ưu đãi để thực hiện thí điểm. Ngoài ra, để thực hiện việc đầu tư này một cách hiệu quả, chúng tôi rất cần sự đóng góp ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia, các ngư dân cho chương trình này.
- Ông có lo ngại tình hình chính trị biển Đông ảnh hưởng đến tiến độ phê duyệt đề án?
- Dù lo lắng nhưng tôi không bỏ cuộc. Đây là cơ hội làm ăn của công ty, chúng tôi sẽ tìm giải pháp thuyết phục Chính phủ xem xét kỹ lưỡng đề án này. Hơn nữa đội tàu đánh bắt hải sản của Đức Khải không phải là câu chuyện của riêng chúng tôi mà còn là cơ hội lớn của Việt Nam. Nếu chúng tôi làm tốt, chắc chắn cũng sẽ có nhiều doanh nghiệp khác muốn làm sẽ là nhân tố tích cực phát triển kinh tế biển cho đất nước.
- Đang làm bất động sản trên bờ bỗng dưng nhảy xuống biển đánh bắt hải sản, ông tính thế nào mảng kinh doanh truyền thống của mình?
- Tôi chưa bao giờ có ý định buông bất động sản. Đức Khải kinh doanh địa ốc phân khúc giá rẻ trong 3 năm quỹ nhà đã lên đến hơn 4.500 căn. Có lẽ ở TP HCM không đơn vị nào xây nhà với tốc độ chóng mặt như chúng tôi. Doanh nghiệp đã có thương hiệu bất động sản tốt, sản phẩm đúng nhu cầu thật, lượng tiêu thụ ổn định thì tại sao lại bỏ. Đức Khải sẽ kinh doanh song song 2 ngành bất động sản và đánh bắt hải sản.
Tôi xuất thân là người buôn xe hơi, trước đây cũng không biết gì về địa ốc nhưng chịu khó học hỏi, tìm tòi, đi mãi thành đường. Tôi tin việc kinh doanh ngành đánh bắt hải sản cũng tương tự như thế, quan trọng là quyết tâm đi đến cùng.
Ông Phạm Ngọc Lâm hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đức Khải, sinh năm 1968, với hơn 20 năm hoạt động trong ngành xuất nhập khẩu. Từ năm 2006, ông Lâm độc quyền phân phối sản phẩm thương hiệu Tosiba tại Việt Nam, sau này có thêm sản phẩm của hãng Kenwood, Indesit và Dongfeng. Trong lĩnh vực địa ốc, ông Lâm đang điều hành Đức Khải triển khai hơn 20 dự án bất động sản, quỹ đất lên tới hơn 1.500ha. Ngoài các ngành du lịch sinh thái, khai thác đá, nhà máy lắp ráp ôtô năm 2014 ông Lâm đang lên kế hoạch nhảy vào lĩnh vực đánh bắt hải sản với quy mô đội tàu lớn nhất Việt Nam gồm 100 tàu cá công suất lớn tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng. Ông Phạm Ngọc Lâm nổi tiếng từ trước khi thành danh với Công ty Đức Khải quy mô hàng nghìn tỷ đồng. Gần 20 năm trước, ông bị kết án vì buôn lậu xe hơi, rồi được ân xá và tái khởi nghiệp vào đầu những năm 2000. |
Vũ Lê