Nghị quyết Hội đồng quản trị của Công ty cổ phần đầu tư thương mại bất động sản An Dương Thảo Điền (Mã CK: HAR) mới đây đã thông qua việc tham gia góp 51% vốn để thành lập Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Ascentro. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 50 tỷ đồng này sẽ hoạt động trong lĩnh vực buôn bán nông, lâm sản nguyên liệu, bao gồm cả thức ăn gia súc, thủy sản... và động vật sống.
Tháng 10/2013, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Sài Đồng (mã CK: SDI) cũng thông báo bổ sung thêm lĩnh vực nông nghiệp vào ngành nghề kinh doanh. Theo đó, SDI sẽ trồng rau, đậu, cây cảnh; hoạt động dịch vụ trồng trọt; buôn bán nông lâm sản nguyên liệu, động vật sống; bán lẻ hàng hóa khác mới trong các cửa hàng chuyên doanh; lắp đặt xây dựng hệ thống khác…
Còn hồi đầu năm, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã vạch rõ một kịch bản kinh doanh mà định hướng mới được đưa ra là đầu tư nông nghiệp, thủy sản. Hiện có một nửa số công ty liên kết của SSI hiện nay là hoạt động trong lĩnh vực này như Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương (NSC), Giống cây trồng miền Nam (SSC), Transimex – Sài Gòn (TMS), Công ty Chế biến hàng xuất khẩu Long An (LAF), thủy sản Hùng Vương…
Là một đại gia thủy sản, song đại hội cổ đông bất thường gần đây của thủy sản Hùng Vương (Mã CK: HVG) cũng vừa thông qua kế hoạch phát triển thêm mảng nông nghiệp. Theo Chủ tịch HĐQT Dương Ngọc Minh, sau khi khảo sát một loạt chợ ở Mỹ, Hùng Vương đang xúc tiến chuẩn bị ký kết biên bản ghi nhớ với một đối tác nước này về việc đưa hàng vào bán tại 16 chợ tại đây.
Như vậy, doanh nghiệp này sẽ mở rộng xuất thêm một số mặt hàng như gạo, nước mắm. Cũng trong đại hội, nhiều cổ đông đã tỏ ra e ngại về hướng kinh doanh mới trên và cho rằng thiếu phù hợp, nhưng ông Minh giải thích, công ty sẽ không đầu tư trực tiếp để sản xuất các mặt hàng này, mà thu mua loại có sẵn ở Việt Nam để xuất bán.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Minh cho biết, mục tiêu của Hùng Vương là đưa một số mặt hàng sản xuất từ Việt Nam sang tiêu thụ trực tiếp thay vì tại các siêu thị Châu Á, đồng thời đón đầu cơ hội khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chuyên gia Trần Hữu Huỳnh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nông nghiệp từ trước đến nay vẫn được coi là lĩnh vực chống lưng cho nền kinh tế. Một số mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp, thủy sản tuy năm qua cũng khó khăn trong xuất khẩu như gạo, thủy sản… nhưng việc mở rộng thị trường vẫn được xúc tiến.
"Trong tương lai, Hiệp định TPP nếu được ký kết thì cơ hội cho ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng. Hơn nữa, Chính phủ cũng có những chính sách ưu đãi hơn đối với lĩnh vực này. Đó cũng là yếu tố khuyến khích doanh nghiệp", chuyên gia này cho hay.
Ông Huỳnh cũng cho rằng, so với những ngành khác, nông nghiệp có mức tăng trưởng thấp nhưng có độ ổn định và ít rủi ro hơn.
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp nhu cầu tiêu dùng chung trên thế giới do khủng hoảng kinh tế thế giới. Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, nông sản với chất lượng cao đảm bảo vệ sinh an toàn luôn luôn có thị trường và giá tốt. Có thể đó là cơ sở kỳ vọng của các doanh nghiệp quyết định chuyển dịch đầu tư trong thời gian qua.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo SSI cũng lý giải, chiến lược đầu tư của đơn vị này là dài hạn. Vì thế, tuy một số danh mục đầu tư hiện có thanh khoản thấp nhưng đó không phải là tiêu chí mà SSI lo ngại. Với những con số về giá trị sản lượng xuất khẩu gần đây trong lĩnh vực này, ông nhận định, trong những năm tới ngành nông nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của ngành này cao, nhưng vẫn còn không ít thách thức. "Cơ sở hạ tầng cho ngành vẫn còn kém, quy mô nhỏ, và nhiều việc vẫn thực hiện thủ công, do vậy dẫn đến năng suất thấp và chất lượng chưa cao", lãnh đạo SSI cho hay.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cũng cho rằng, thời gian qua, mức độ phát triển của doanh nghiệp nội trong lĩnh vực nông nghiệp rất hạn chế. Tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp là không đáng kể. Quy mô sản xuất, khả năng tạo việc làm và lợi nhuận của doanh nghiệp lĩnh vực này rất thấp so với mức trung bình.
Theo ông Sơn, nông sản Việt Nam tuy bán ra ngoài với số lượng lớn nhưng chất lượng thấp, vệ sinh an toàn kém, không có thương hiệu, giá trị thấp. Đó là những khó khăn mà doanh nghiệp nội phải vượt qua mới hy vọng thắng thế trên trường quốc tế.
Hồng Châu - Ngọc Tuyên