Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa tổ chức đấu giá cả lô cổ phần của SCIC tại Công ty Du lịch Kim Liên sáng 22/12. Số cổ phần bán đấu giá là 3,65 triệu, tương đương với 52,4% vốn điều lệ của công ty.
Phiên đấu giá diễn ra khá sôi động khi các nhà đầu tư liên tục trả giá từ 46.000 đồng lên đến 102.000 đồng cho một cổ phần. Cuối cùng HNX công bố, phần thắng đã thuộc về nhà đầu tư trả giá 274.200 đồng cho mỗi cổ phần. Như vậy, nhà đầu tư này đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua trọn lô cổ phiếu mà SCIC bán ra. Hiện danh tính của người chiến thắng vẫn chưa được tiết lộ.
Trước phiên đấu giá, HNX cho biết có 36 nhà đầu tư đăng ký mua, trong đó có 19 tổ chức và 16 cá nhân... Tuy nhiên, chỉ có 35 phiếu đấu giá hợp lệ với tổng khối lượng đặt mua 127,6 triệu cổ phần, gấp 38 lần số chào bán. Giá khởi điểm là 30.600 đồng một cổ phần, tương đương gần 112 tỷ đồng.
Cuộc đua mua lại khách sạn Kim Liên đã nóng ngay từ khi SCIC thông báo thoái vốn với sự tham gia của hàng loạt các đại gia: Bầu Thụy, bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Chủ tịch HĐQT Công ty Cơ điện lạnh), Tổng công ty du lịch Hà Nội, Tập đoàn Xây dựng Miền Trung, Tập đoàn Phúc Lộc... Về phía nhà đầu tư cá nhân, có hai nhà đầu tư 9X cũng sẵn sàng chi hàng trăm tỷ thâu tóm khách sạn Kim Liên.
Công ty du lịch Kim Liên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng và dịch vụ ăn uống, lưu trú ngắn ngày. Năm 2014, doanh thu của công ty đạt 127 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 13,5 tỷ đồng.
Khách sạn Kim Liên có lịch sử lâu đời ở Hà Nội, có vị trí rất đắc địa khi toạ lạc trên khu đất 3,5ha trên phố Đào Duy Anh (Đống Đa). Tiền thân của khách sạn Kim Liên là khách sạn Bạch Mai được thành lập năm 1961. Khách sạn hiện có 9 toà nhà, 437 phòng và 5 nhà hàng.
Tuy vậy, lô đất nơi khách sạn tọa lạc không thuộc sở hữu của họ mà là đất thuê dài hạn. Tháng 9/2014 UBND TP Hà Nội đã có quyết định cho Công ty du lịch Kim Liên thuê 3,5ha đất với hạn thuê đất 50 năm kể từ năm 1993. Như vậy, thời hạn thuê đất còn tới năm 2043.
Bạch Dương