Năm 2014, TP HCM đón hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành bán lẻ gia nhập thị trường. Đầu tháng 7, tập đoàn Mapletree (Singapore) bắt đầu lộ diện và công bố đối tác chuẩn bị cho cuộc đổ bộ mạnh mẽ vào năm 2015. Công ty Phát triển Khu phức hợp Thương mại Vietsin là liên doanh giữa Saigon Co.op và Mapletree vừa ký kết với 13 nhà bán lẻ vào khu thương mại SC VivoCity, cam kết thuê hơn 50% mặt bằng, tương đương 21.270 m2 sàn thương mại.
Một trong 13 thương hiệu quốc tế được Mapletree giới thiệu có CGV, đại gia kinh doanh chuỗi rạp chiếu phim lớn nhất Hàn Quốc. Saigon Co.op và NTUC FairPrice cũng sẽ cho ra mắt một đại siêu thị với tên gọi Co.opXtra. Ngoài ra còn có các ông lớn F&B (ẩm thực đồ uống) khác như Starbucks, MOF, BreadTalk, ThaiExpress, Pepper Lunch và Shabu Ya cũng cam kết sẽ vào trung tâm thương mại này.
Sau động thái của Mapletree, đến lượt Robins Department Store, thành viên của Tập đoàn Bán lẻ Central đến từ Thái Lan vừa công bố kế hoạch tấn công thị trường phía Nam vào tháng 11 tới. Sau khi mở trung tâm bách hóa đầu tiên tại Hà Nội, Robins Department Store đã thuê 4 tầng lầu với diện tích hơn 10.000 m2 tại Crescent Mall (thuộc khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng) để chuẩn bị cho chiến dịch Nam tiến.
Một ông trùm bán lẻ của Nhật là AEON Mall cũng đã chính thức có mặt tại Việt Nam trong năm nay. Tập đoàn này khai trương trung tâm thương mại đầu tiên vào ngày 1/1/2014 tại quận Tân Phú, TP HCM và đang tiếp tục mở rộng thị phần. Dự kiến trong quý IV/2014, nhà bán lẻ này sẽ mở rộng thị phần ra Bình Dương, tỉnh giáp ranh TP HCM.
Ông lớn trong lĩnh vực fastfood là McDonald's vừa khai trương sau Tết Nguyên đán với nhà hàng đầu tiên tại cửa ngõ Đông Sài Gòn cũng mạnh dạn mở thêm chi nhánh từ quý II/2014. Trong ngày công bố nhà hàng thứ hai tại trung tâm quận 1, đại diện McDonald's Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã có kế hoạch cho cửa hàng thứ 4, tuy nhiên vẫn cân nhắc địa điểm nên chưa công bố.
Có mặt tại Sài Gòn trước McDonald's, ông trùm thức uống Starbucks đã tăng tốc khá nhanh. Hãng này dự kiến khai trương cửa hàng thứ 8 tại TP HCM vào quý III/2014 trong khi thương hiệu kem của Mỹ là Baskin Robbin đã kịp mở cửa hàng thứ 20 trong quý II vừa qua. Hãng kem Dairy Queen của tỷ phú Warren Buffett đến Việt Nam hồi tháng 1/2014 với cửa hàng đầu tiên tại quận 1, TP HCM và mở ngay cửa hàng thứ hai chỉ sau vài tháng. Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, Dairy Queen sẽ mở chuỗi 60 cửa hàng, chủ yếu tập trung tại Sài Gòn.
Caffe Bene, thương hiệu cà phê nổi tiếng của Hàn Quốc có mặt tại 12 quốc gia cũng đã chọn quý III/2014 là thời điểm đặt chân vào thị trường Việt Nam. Mới đây, tại Seoul, Công ty CaffeBene Vina đã ký hợp đồng nhượng quyền thương mại độc quyền với Caffe Bene.
Trong báo cáo thị trường bất động sản TP HCM quý II/2014, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend dự báo cuộc đổ bộ của các thương hiệu bán lẻ quốc tế vào TP HCM sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Ông Marc Townsend cho biết, khảo sát của Nielsen, trong quý I/2014 chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam cao hơn mức trung bình của toàn cầu. Đây là một trong những nhân tố giúp các nhà bán lẻ quốc tế tự tin hơn khi gia nhập thị trường Việt Nam.
Giám đốc Toàn cầu Dịch vụ cho thuê và tư vấn Bán lẻ Cushman and Wakefield, Mark Burlton phân tích, khủng hoảng kinh tế toàn cầu ít nhiều đã tạo ra biến động trên thị trường bán lẻ trong vòng 5 năm qua. Các nhà bán lẻ không còn nhu cầu duy trì số lượng cửa hàng lớn như trước đây tại quốc gia của mình. Thay vào đó, họ tìm kiếm cơ hội mở cửa hàng trên thị trường quốc tế, đặc biệt là châu Á. Hiện nay, khá nhiều các nhãn hàng quốc tế tiếp cận thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Mark Burlton, hầu hết các thương hiệu khi vào Việt Nam đều đã có mặt tại các nước khác trước đó nên rất dễ dàng khi phân phối hàng sang Việt Nam như một kênh mới trong mạng lưới Châu Á Thái Bình Dương của họ. Tuy nhiên, khi đầu tư trực tiếp, các nhà bán lẻ bao giờ cũng phải xem xét nhiều hơn nhằm chọn lựa một phương án đầu tư dài hạn.
Một trong những khó khăn mà các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam có thể gặp phải là những khác biệt về vùng, miền, thời tiết. Khi một nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam, họ thường mở theo chuỗi thay vì mở một hay hai cửa hàng nhỏ lẻ. Quá trình tìm kiếm và sở hữu một chuỗi các mặt bằng vị trí tốt là việc khó khăn. Chất lượng dự án tại Việt Nam nói chung không được đồng đều. Việt Nam không có nhiều dự án tốt để các nhà bán lẻ có thể lựa chọn. Đây là những vấn đề mà các nhà bán lẻ khi đến Việt Nam phải đối mặt.
Lãnh đạo Cushman and Wakefield cho rằng đã có nhiều thương hiệu quốc tế đến Việt Nam nhưng cả TP HCM và Hà Nội đều đang thiếu nhãn hàng. Số lượng thương hiệu tại Việt Nam hiện nay chưa phong phú. Theo ông Mark Burlton, năm 2015, việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo các cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ tác động tích cực đến số lượng nhà bán lẻ ngoại gia nhập thị trường.
Vũ Lê