Với Rakuten, thỏa thuận này sẽ giúp hãng lần đầu tiên bước chân vào ngành hàng không. Rakuten có lợi thế nhờ mạng lưới đại lý du lịch có sẵn và dữ liệu khách hàng khổng lồ từ mảng thương mại điện tử. Đây là động thái chuyển trọng tâm của Rakuten ra khỏi thương mại điện tử và các mảng kinh doanh dựa vào Internet. Trong quý I, hãng đạt lợi nhuận 16,2 tỷ yen (159 triệu USD).
Còn với AirAsia, đây là lần thứ 2 họ thâm nhập thị trường Nhật Bản, sau sự hợp tác thất bại với hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) năm ngoái. Lựa chọn Rakuten cũng là bước ngoặt với AirAsia, khi hợp tác với một công ty không liên quan trực tiếp đến hàng không.
Nikkei cho biết CEO hai hãng - Tony Fernandes và Hiroshi Mikitani sẽ thông báo chính thức việc này vào ngày 1/7. Còn hãng hàng không mới dự kiến hoạt động vào năm sau.
Sau thông tin trên, cổ phiếu của Rakuten đã tăng gần 3% hôm nay. Trong khi đó, cổ phiếu AirAsia cũng nhích thêm 2,7%.
Năm ngoái, ANA và AirAsia chấm dứt hợp tác do bất đồng về giá cả và tuyến bay. ANA đã mua lại cổ phần của AirAsia trong liên doanh này và đổi tên từ AirAsia Japan sang Vanilla Air.
"AirAsia đã học được rằng làm việc với các hãng hàng không khác rất khó. Họ cảm nhận được kiểu đối tác nào là tốt, và đối tác nào không. Mục tiêu của họ là tìm công ty cho phép mình áp dụng nhiều nhất mô hình của AirAsia vào Nhật Bản", Brendan Sobie - nhà phân tích tại Trung tâm Hàng không Singapore cho biết trên Financial Times.
AirAsia đã trở thành một trong những hãng bay giá rẻ thành công nhất thế giới, sau khi được Tony Fernandes mua lại năm 2001. Khi ấy, đây chỉ là một hãng bay quốc doanh đang thua lỗ. Kể từ đó, AirAsia đã mở rộng ra khắp Đông Nam Á. Tháng tới, họ sẽ ra mắt hãng hàng không mới tại Ấn Độ, hợp tác với Tập đoàn Tata.
Hà Thu