Nhận xét về ý định đầu tư của AB Inbev vào Việt Nam, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, chính việc thu nhập người dân tăng lên và chính sách mở cửa sau khi gia nhập WTO đã khiến nhiều hãng bia ngoại thâm nhập và thị trường Việt Nam. Điều này tạo ra một thị trường cạnh tranh khá khốc liệt.
"Đương nhiên là sẽ cạnh tranh, hiện nay cũng đã quá "nóng" rồi nhưng bây giờ vẫn chưa biết được họ đầu tư như thế nào, phân khúc tập trung ra sao... nên chưa thể đo đếm", ông Phan Đăng Tuất, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần bia rượu - nước giải khát Sài Gòn nói.
Một đơn vị sở hữu nhiều thương hiệu bia ngoại đang có mặt ở Việt Nam cho rằng khi hãng bia lớn nhất vào thì các hãng sẽ lo ngại và không thể dửng dưng mà "ngủ yên" được.
"Tuy nhiên, cạnh tranh là tiền đề phát triển, có lo nhưng cũng có mừng. Rất có thể họ sẽ cạnh tranh ở phân khúc bia cao cấp bán với giá cao. Không những thế, dù bia ngoại hay bia nội cũng đều là đối thủ của AB Inbev", đại diện đơn vị này phân tích.
Theo đó, chắc chắn trong thời gian tới các công ty bia tại Việt Nam buộc phải lên kế hoạch "đối phó" với hãng AB Inbev - đơn vị sở hữu nhiều thương hiệu như Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck's và Brahma.
Tuy nhiên, Chủ tịch VBA lưu ý sẽ không dễ dàng để các hãng bia nước ngoài thành công ở Việt Nam. "Nhiều ông lớn đã tham gia thị trường bia Việt Nam nhưng nhiều người đã ra đi, hoặc không phát triển được", ông Việt nói. Do vậy, ông nêu quan điểm rằng các hãng nước ngoài muốn thành công phải có chiến lược và tính toán thận trọng, bởi Việt Nam không phải là nơi dễ kiếm ra món lợi khổng lồ.
Liên quan đến thông tin AB Inbev - chủ thương hiệu Budweiser đã có giấy phép sử dụng đất tại Việt Nam được Reuters dẫn lời từ Tổng giám đốc của công ty này, một lãnh đạo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, việc cấp giấy chứng nhận được phân cấp cho địa phương, nhưng "chưa thấy địa phương nào báo cáo về dự án này lên Cục".
Cũng theo ông, nhà đầu tư muốn có giấy phép sử dụng đất thì phải thành lập một doanh nghiệp ở Việt Nam và nhận được giấy chứng nhận đầu tư trước.
Tuy nhiên, thực tế, ông cho biết nhà đầu tư có cách rút ngắn thời gian chuẩn bị dự án bằng cách song song với quá trình xin giấy chứng nhận đầu tư, có thể xin chủ trương về mặt cấp đất.
Việt Nam hiện là nước tiêu thụ bia lớn thứ ba ở châu Á, sau Nhật Bản và Trung Quốc. Trong 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam tăng hơn 200%, đến năm 2012 lên mức gần 3 tỷ lít.
Theo báo cáo của Euromonitor, khoảng 80% thị phần thị trường bia Việt Nam đang nằm trong 3 hãng là Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Bia Việt Nam (VBL) – chủ thương hiệu Heineken, Tiger.
Với tiềm năng phát triển lớn, ngành bia hiện nay chứng kiến những thương vụ mua bán sáp nhập, chủ yếu từ nhà đầu tư nước ngoài như hãng bia Carlsberg của Đan Mạch muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 30%, sau khi đã thâu tóm hoàn toàn bia Huế. Tập đoàn Masan – đơn vị mới được một quỹ của Mỹ rót 200 triệu USD cũng công bố đang tiến hành mua lại Công ty Bia & nước giải khát Phú Yên.
Anheuser-Busch InBev là tập đoàn bia đa quốc gia có trụ sở tại Bỉ. Hãng hiện là nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới với 25% thị phần trên toàn cầu. Anheuser-Busch InBev có tới 14 trên tổng số 200 thương hiệu mang lại doanh thu hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Nổi tiếng nhất là Budweiser, Corona, Stella Artois, Beck's và Brahma.
Huyền Thư - Kiên Cường