Trên tạp chí Science, các chuyên gia cho rằng các đại dương đang trở nên nóng hơn, hòa tan được ít oxy hơn và có tính axit hơn vì CO2. Mức tăng cao nhất 2 độ C mà các chính phủ cho phép sẽ không ngăn chặn được các tác động mạnh mẽ đến hệ thống đại dương trên Trái Đất.
"Đại dương rất ít được quan tâm trong các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của chúng tôi sẽ cung cấp các luận cứ thuyết phục, nhằm đạt được sự thay đổi triệt để về vấn đề này tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Paris tới đây," Jean-Pierre Gattuso, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch đang thay đổi thành phần hóa học của nước biển nhanh hơn bất kỳ một tác động tự nhiên nào, kể cả cơn Đại Hồng Thủy cách đây 250 triệu năm.
Các đại dương đã hấp thụ khoảng 30% lượng CO2 con người thải ra kể từ năm 1750. CO2 là một loại khí có tính axit, khi hòa tan vào nước biển, nó sẽ làm tính axit của nước biển tăng lên. Ngoài ra, các đại dương cũng hấp thụ khoảng 90% lượng nhiệt do quá trình công nghiệp hóa tạo ra kể từ năm 1970. Hậu quả là nước biển khó hòa tan oxy hơn.
Quá trình axit hóa đại dương sẽ ảnh hưởng tới sự sinh sản, tồn tại và nguồn thức ăn của ấu trùng cũng như tốc độ sinh trưởng của sinh vật biển, đặc biệt là các loài có lớp vỏ ngoài đá vôi (canxi cacbonat).
"Biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục ảnh hưởng đáng kể đến các hệ sinh thái đại dương, chúng ta cần phải chú ý và có biện pháp đối phó," giáo sư Manuel Barange, giám đốc khoa học tại Phòng thí nghiệm Marine Plymouth, cho biết. Tuy một vài hệ sinh thái có thể sẽ hưởng lợi từ sự biến đổi này, đặc biệt là trong ngắn hạn, nhưng về tổng thể thì chủ yếu là tác động tiêu cực, đặc biệt trong các khu vực nhiệt đới và các nước đang phát triển.
Nguyễn Thành Minh