Là một trong 4 nữ lãnh đạo có bài phát biểu truyền cảm hứng trong buổi tọa đàm về nữ doanh nhân, trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra tại Hà Nội, bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Vietjet Air, cho biết với đặc thù là ngành kỹ thuật cao và có mức độ rủi ro nhất định, nên tỷ lệ nữ tại doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng không lớn nhưng lại giữ vai trò quyết định.
Cụ thể, trong tổng số 3.850 nhân viên công ty, chỉ có khoảng 34% là nữ giới, trong đó có 4/14 vị trí quản lý chủ chốt do nữ đảm nhiệm. Nổi bật trong số này là 4 gương mặt gồm Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Hà, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó tổng giám đốc Nguyễn Thị Thúy Bình và bà Yến Phương - phụ trách tài chính kế toán và điều tiết, quản trị nguồn vốn toàn Vietjet. Ngoài ra, trong đội tàu bay của hãng còn có những nữ phi công.
"Họ là những người dũng cảm, bản lĩnh khi làm chủ buồng lái, chinh phục bầu trời, vốn dĩ là những công việc mà chúng ta thường cho rằng chỉ có nam giới mới thực hiện được", bà Phương chia sẻ.
Chính những người phụ nữ này đã góp phần vào những quyết định quan trọng, mang tính bước ngoặt của Vietjet Air. Đó là quyết định không liên doanh với AirAsia để xây dựng hãng hàng không tư nhân mang thương hiệu Việt. Đó còn là lựa chọn xây dựng một thương hiệu giá rẻ để mang "cơ hội bay" đến với số đông khách hàng, thay vì thiết lập một hình ảnh sang trọng.
Bên cạnh sự bản lĩnh, quyết đoán của cá nhân, những nữ lãnh đạo của Vietjet cũng luôn ý thức tầm quan trọng của việc truyền ngọn lửa đam mê và tận tâm với công việc cho toàn đội ngũ nhân viên công ty. Tại Vietjet, sáng thứ 7 vẫn làm việc, lãnh đạo sẽ trao đổi với nhân viên để hỏi về vấn đề riêng như gia đình, tình yêu để nắm bắt, từ đó thổi sự say mê vào công việc. Bà Phương cho rằng, các nữ lãnh đạo có lợi thế về sự dịu dàng, cẩn thận để đem vào công việc, từ đó hỗ trợ sự vận hành cho doanh nghiệp.
"Những người phụ nữ Vietjet nhỏ bé nhưng đã dám ước mơ lớn lao và hiện thực hóa ước mơ bằng chính nghị lực của mình", bà Phương nhấn mạnh.
Cất cánh chuyến bay đầu tiên vào ngày 24/12/2011, đến nay, Vietjet đã mang cơ hội bay đến cho hàng chục triệu người, trong đó có hàng triệu người chưa bao giờ đi máy bay trước đó. Hãng cũng là một trong những thương hiệu IPO tiêu biểu 2016-2017, doanh nghiệp công bố thông tin M&A tốt nhất. Cổ phiếu của công ty luôn thuộc top 10 trong VN30 các công ty có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với giá trị vốn hóa đạt trên 3 tỷ USD.
Đến cuối năm 2018, Vietjet sở hữu đội tàu bay trẻ nhất với tuổi bình quân 2,82 năm và trở thành hãng hàng không có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á. Đơn vị đã phục vụ chuyên chở hơn 75 triệu lượt khách, thực hiện 118.923 chuyến bay, khai thác 105 mạng đường bay gồm 39 tuyến nội địa và 66 tuyến quốc tế. Độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64% cao nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Doanh nghiệp đã bảo vệ thành công chứng chỉ "An toàn hàng không quốc tế IOSA" lần thứ 3 vào tháng 9/2018
Trong năm qua, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 53.577 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất là 5.018 tỷ đồng, đóng góp cho ngân sách 6.193 tỷ đồng. Công ty vay nợ rất ít, với tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ 0,39 lần. Tổng tài sản công ty ở mức 39.086 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn là 20.007 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp liên tục đón nhận nhiều giải thưởng uy tín trong nước cũng như quốc tế như: huân chương lao động, xếp hạng 22 trong top 50 "Hãng hàng không tốt nhất thế giới về các chỉ số tài chính" của AirFinance Journal, top 50 "Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam" và top 40 "Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2018" của tạp chí Forbes, top 50 "Doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam", top 50 "Công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam", top 100 "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam"...
"Đằng sau những con số này là câu chuyện của những con người Vietjet đầy nghị lực và kiên trì bám đuổi mục tiêu đề ra, bằng một tình yêu nghề và sự tự hào mang lại những cơ hội bay đến cho hàng triệu người", bà Phương nhấn mạnh.
Năm 2019, Vietjet đặt ra thông điệp "Bay cùng giấc mơ hoa" - mang hình ảnh người phụ nữ khát vọng vươn tới tương lai. Theo đó, công ty hướng đến mục tiêu trở thành hãng hàng không toàn cầu, với cam kết vận hành độ an toàn và tin cậy cao nhất, nâng cao chất lượng dịch vụ. Doanh nghiệp tiếp tục tập trung phát triển mạng đường bay quốc tế, duy trì và mở rộng thị trường trong nước cũng như thúc đẩy triển khai các dự án xây dựng Học viện Hàng không, nhà xưởng kỹ thuật chứa máy bay (hangar).
Hãng cũng từng bước triển khai chiến lược trở thành tập đoàn đa quốc gia trên nền tảng công nghệ số và thương mại điện tử, hướng đến không chỉ là một hãng hàng không mà là một tập đoàn cung cấp nhu cầu tiêu dùng cho hành khách.
"Năm 2019 mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới. Với hành trình 'Bay cùng giấc mơ hoa', chúng tôi muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho hành khách, cho bản thân những con người trong đại gia đình Vietjet và cho giá trị của nhà đầu tư và cho quê hương đất nước", đại diện hãng đúc kết.