-
10h00
Nhiều người liên quan vắng mặt
Tòa thẩm vấn xong lý lịch của 34 bị cáo. Là một trong số hơn 500 người liên quan được triệu tập, song đại diện Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vắng mặt.
Trong phần thủ tục, luật sư Phan Trung Hoài (một trong 4 người bào chữa cho bà Lan) kiến nghị tòa cho các luật sư được mang máy tính xách tay vào phòng xử vì các tài liệu, luận cứ bảo vệ thân chủ đều được lưu trữ trong laptop. Ông cũng kiến nghị HĐXX triệu tập đại diện Cục phòng chống rửa tiền (thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), Cục quản lý ngoại hối và Uỷ ban chứng Nhà nước tham gia phiên xử.
HĐXX cho biết đã triệu tập đại diện các cơ quan này, song tại phiên tòa hôm nay họ vắng mặt. Trong những ngày xét xử tiếp theo, nếu thấy cần thiết tòa sẽ tiếp tục triệu tập.
Về kế hoạch làm việc, HĐXX cho biết sẽ thông báo sau mỗi phiên xử để các luật sư, người tham dự phiên tòa nắm.
Chiều nay, tòa tiếp tục với phần VKS công bố cáo trạng dài hơn 60 trang.
-
8h30
Tòa kiểm tra lý lịch bị cáo
Là người đầu tiên được HĐXX gọi, bà Trương Mỹ Lan giọng to, rõ, cho biết là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. "Trong giai đoạn một của vụ án tôi bị quy buộc về 3 tội với mức án tử hình", bị cáo trả lời chủ tọa.
Tại giai đoạn 2 của đại án, bà Lan và đồng phạm bị xét xử về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của hơn 35.824 bị hại); Rửa tiền (445.747 tỷ đồng); Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới (4,5 tỷ USD - tương đương 106.730 tỷ đồng).
Ở giai đoạn một vụ án, bà Lan bị xác định trong 10 năm thâu tóm SCB đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi.
Hôm 11/4, TAND TP HCM tuyên phạt bà Lan 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.
Bà Lan và nhiều bị cáo đã kháng cáo bản án này, song phiên tòa phúc thẩm chưa ấn định ngày xét xử.
-
8h00
Nhiều bị hại đề nghị được tham dự phiên xét xử bà Trương Mỹ Lan
Trong phạm vi xét xử tại phiên tòa này, HĐXX chỉ xem xét giải quyết cho các bị hại sở hữu 6 mã trái phiếu: QT-2018.12.1; ADC-2018.09; ADC-2018.09.1; ADC-2019.01; SET.H2025.01; SET.H2025; SNW-2018.10 (do Tập đoàn đầu tư An Đông; Sunny World; Quang Thuận; Dịch vụ và thương mại TP HCM - Setra phát hành).
Trước đó, tòa thông báo, do số lượng người bị hại đặc biệt lớn, nên tòa xét xử vắng mặt, song "vẫn đảm bảo quyền lợi cho họ theo quy định của pháp luật". Tòa đề nghị các bị hại và đương sự cập nhật diễn biến vụ án trên cổng thông tin điện tử.
Tuy nhiên, sáng nay, nhiều bị hại vẫn đến tòa, đề nghị được tham gia phiên xử.
-
7h45
Bà Lan mặc áo màu xanh đậm, ôm tập tài liệu, vẫn giữ phong thái bình tĩnh như lần ra tòa trước, song trông gầy hơn. Khi được dẫn vào phòng xét xử bà thỉnh thoảng ngoái nhìn xung quanh.
-
7h00
An ninh thắt chặt
Đây là giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tham gia phiên tòa có gần 100 luật sư bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người liên quan và bị hại. Trong đó, riêng bà Lan có 4 luật sư. Khoảng 530 tổ chức, cá nhân được triệu tập với tư cách người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Các lực lượng chức năng chỉ cho những người có giấy triệu tập của tòa được vào trong.
-
6h00
Sáng 19/9, xung quanh trụ sở TAND TP HCM trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1, cảnh sát thuộc nhiều lực lượng chia thành các vòng giám sát, giữ an ninh trật tự.
5h45, hàng chục xe chuyên dụng đưa các bị cáo đến tòa.
-
Ngoài phòng xử chính, khu vực hành lang, sân tòa được trưng dụng để dựng rạp, kê khoảng 1.000 ghế ngồi và trang bị nhiều màn hình cỡ lớn cho người tham dự theo dõi phiên xử.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà, Phó chánh tòa Hình sự (TAND TP HCM) làm chủ tọa, dự kiến kéo dài đến 19/10.
-
Cáo trạng xác định, bà Trương Mỹ Lan đề ra chủ trương phát hành 24 mã trái phiếu khống thông qua 4 công ty để huy động hơn 30.869 tỷ đồng của 35.824 khách hàng. Số tiền này không được sử dụng đúng mục đích phát hành trái phiếu là đầu tư vào các dự án kinh tế để sinh lời, đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả gốc và lãi cho trái chủ, mà bị bà Lan và đồng phạm sử dụng vào các mục đích khác.
Tính đến thời điểm khởi tố vụ án (7/10/2022), 4 công ty trên còn dư nợ 30.081 tỷ đồng của 35.824 bị hại và không có khả năng thanh toán.
Bà Lan bị cáo buộc đã chỉ đạo Nguyễn Phương Hồng (thành viên HĐQT, nguyên phó tổng giám đốc SCB, đã chết) trực tiếp điều hành, quản lý và theo dõi việc sử dụng số tiền trên cho nhiều mục đích của tập đoàn.
Trong đó, phần lớn đã chuyển cho các tổ chức tín dụng để tất toán những khoản vay của cá nhân, tổ chức thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trả nợ vay mượn các cá nhân, trả lãi trái phiếu đến hạn, chăm sóc khách hàng, chi tất toán các thẻ tín dụng của người nhà và rút tiền mặt sử dụng.
Trong phạm vi vụ án này, cơ quan công tố xác định, từ 27/10/2012 đến 7/10/2022, có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chuyển hơn 1,5 tỷ USD ra nước ngoài trái quy định; nhận hơn 3 tỷ USD từ nước ngoài chuyển về. Tổng cộng, bà Lan và đồng phạm đã Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới tổng số tiền hơn 4,5 tỷ USD.
Đồng thời, bà Lan và đồng phạm cũng bị cáo buộc Rửa tiền từ nguồn tiền tham ô tài sản của ngân hàng SCB (giai đoạn một của vụ án) và lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ phát hành trái phiếu, tổng 445.747 tỷ đồng.
Từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, để che giấu nguồn gốc tiền do phạm tội mà có và hợp thức việc sử dụng 415.666 tỷ đồng (trong số tiền tham ô của SCB), tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền, bà Lan và đồng phạm chuyển số tiền chiếm đoạt được ra khỏi hệ thống SCB hoặc chuyển khoản cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản.
Nhóm Phóng viên