Đó là kết quả của cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC).
Tiến sĩ Shekhar Saxena, trường Y tế Công cộng Harvard, cho biết: "Tác động của đại dịch đến sức khỏe tâm thần của người trẻ tuổi nhiều hơn các độ tuổi còn lại. Các số liệu ở Hoa Kỳ cho thấy 2/3 thanh niên có triệu chứng lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề tâm lý khác".
Theo Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần, 50% số bệnh tâm thần suốt đời phát triển ở độ tuổi 14 và 75% phát triển ở tuổi 24. Ngay cả khi cuộc khủng hoảng Covid-19 kết thúc, theo Saxena, 10% những người trưởng thành này sẽ bị ảnh hưởng lâu dài do các vấn đề sức khỏe tâm thần mà họ phải đối phó.
"Khoảng 1/3 thực sự có thể đang gặp một vấn đề đủ nghiêm trọng khiến họ bị ảnh hưởng về công việc và học vấn. Điều này thực sự có thể gây ra gánh nặng lớn hơn nhiều về sức khỏe và sự bất lực", ông nói.
Theo tiến sĩ Saxena, nhiều người mất việc, một số người thu nhập thấp hơn so với trước. Người trẻ phải đối mặt nhiều sự không chắc chắn hơn người trung niên và cao tuổi. Bởi đây là thời điểm cuộc sống của họ đang thay đổi.
Khảo sát của mạng lưới Healthy Minds, cho hay, Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần 80% sinh viên đại học. Các chuyên gia lo ngại rằng nhiều người không tìm kiếm sự hỗ trợ và tư vấn cần thiết. "Sinh viên da màu và sinh viên có thu nhập thấp ít có khả năng tìm kiếm sự chăm sóc khi họ gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần do chi phí. Đó cũng là những sinh viên ít có khả năng tiếp tục học và tốt nghiệp", tiến sĩ Sarah Lipson, một trợ lý giáo sư tại Khoa Quản lý và Chính sách Luật Y tế tại trường Y tế Công cộng Đại học Boston, nói.
Saxena nhận định đại dịch là một cơn bão hoàn hảo làm nảy sinh "sự không chắc chắn", xuất phát từ lo lắng và mất mát, có thể dẫn đến trầm cảm. Nhiều người trẻ đã mất khá nhiều, đặc biệt là cơ hội giáo dục và nghề nghiệp.
"Độ tuổi từ 21-25 là thời điểm mở mang cuộc sống nhưng tất cả đang bị tạm dừng. Tôi nghĩ đây là một thời điểm khó khăn vì chỉ thời gian trôi đi, còn cuộc sống của mỗi người có thể đứng yên. Thị trường việc làm người trẻ đang tham gia rất khó đoán và có vẻ tạo nhiều căng thẳng", chuyên gia nói.
Tổ chức Mental Health America phát hiện ra rằng từ tháng 4 đến tháng 9/2020, 70% người dân cho biết, cô đơn hoặc bị cô lập là yếu tố hàng đầu dẫn đến các vấn đề sức khỏe tâm thần của họ. Cô lập là sự tách biệt thực sự khỏi những người khác và cô đơn là cảm giác đi kèm.
Jordan Corcoran, người ủng hộ và là người sáng lập tổ chức sức khỏe tâm thần Listen Lucy, được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu tổng quát và rối loạn hoảng sợ năm 19 tuổi. Ở tuổi 33, cô nhận định đại dịch rất khó khăn. "Tôi cảm thấy như mình đang làm việc mỗi phút trong ngày để giảm bớt lo lắng. Cách ly là một phần chính nguyên nhân chính khiến người trẻ phải đối phó với bệnh tâm thần", Corcoran nói.
Dù được sự giúp đỡ và lựa chọn vận động để chống lại chứng rối loạn sức khỏe tâm thần, Corcoran vẫn phải đối mặt với những trận chiến của chính mình mỗi ngày.
"Thế giới cứ đặt tất cả những trở ngại này trước mặt tôi. Tôi không biết mình có thể làm điều này bao lâu nữa. Tôi kiểm tra sức khỏe tinh thần của mình mỗi ngày. Đó là một phần của cuộc hành trình sống còn của tôi", cô chia sẻ.
Chuyên gia Saxena khuyên những chủ sử dụng lao động nên khuyến khích, hỗ trợ và cung cấp tài chính nếu nhân viên của họ cần được tư vấn, trợ giúp tâm thần.
Tiến sĩ Sarah Lipson khuyên các khu túc xá đại học cần cung cấp nhiều nguồn lực sức khỏe tâm thần hơn và đào tạo cho các giảng viên để họ có thể hiểu rõ hơn về các vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn ở sinh viên.
"Tôi nghĩ các trường học cần nghĩ đến việc mở rộng hệ thống sức khỏe tâm thần trong khuôn viên trường để có nhiều nguồn lực hơn và đầu tư vào những nguồn lực đó", Lipson nói.
Nhật Minh (Theo ABC News)