14h, một ngày thứ hai. Trời nắng gắt, trên vài triền dốc, hàng chục người dân xã Đăk Tnang, huyện Kông Chro đang dọn dẹp đốt rẫy, từng cột khói khổng lồ tỏa ra mù mịt, làm không khí trở nên nóng nực hơn.
Sau khi cho đàn bò uống no nước, Lệ lùa chúng lên đồi cao - nơi mà cô học trò biết vẫn còn nhiều cỏ và có sóng điện thoại. Nữ sinh người Ba Na trong bộ áo quần lao động, đội nón lá rộng vành, tay phải cầm cái smartphone cũ giơ lên quá đầu để bắt sóng.
Vừa leo lên lưng chừng núi, tiếng chuông tin nhắn liên tục reo, "Nhóm bạn học trực tuyến lớp em gửi thông báo", Đinh Thị Mỹ Lệ, học sinh lớp 12A1, trường THPT Hà Huy Tập, giải thích.
Đọc lướt qua, cô biết hôm nay giáo viên môn Toán của trường vừa đăng video dạy online, nhưng em chưa thể xem được. Lệ thở dài, bảo nếu "cơn bão" dịch không xuất hiện, chắc chắn giờ này em đang ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng bài, chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Lệ học trường nội trú ở trung tâm huyện Kông Chro, cách nhà 15 km. Bố Lệ là cán bộ xã, mẹ làm nông nên cô quyết tâm học đến nơi đến chốn. Suốt ba năm cấp ba, cứ chiều chủ nhật hàng tuần, Lệ gói ghém sách vở, áo quần, 10 kg gạo cùng 100.000 đồng mua thức ăn cho năm ngày trọ học.
Trải qua bao nhiêu khổ cực, thức khuya dậy sớm, chỉ còn một học kỳ nữa, Lệ có thể hoàn thành ước mơ vào trường cao đẳng, đại học vào mùa hè năm nay. Nhưng tự dưng mọi chuyện thay đổi từ sau kỳ nghỉ Tết.
Lệ nhớ rất rõ, hôm đó là đầu tuần, ngày 3/2, sau tiết chào cờ em và hai đứa bạn vội vàng lên phòng ăn sáng, chuẩn bị sách vở cho tiết học tiếp theo. Cô vừa bưng tô mì lên thì nghe các bạn phòng bên hét lên "nghỉ dịch, nghỉ dịch". Lệ vui mừng quay lại giường thu dọn đồ đạc trở về nhà.
Ở nhà một tuần, Lệ được quay trở lại trường. Học được ba tuần, nhà trường tiếp tục cho nghỉ vì lúc ấy "dịch bệnh đang bùng phát dữ dội" và "chưa biết ngày nào học lại". Thông báo lần này không làm Lệ vui như trước nữa, trái lại em tỏ ra lo lắng, chẳng biết những ngày tiếp theo mình sẽ học ở đâu? Biết tìm ai để hỏi khi gặp bài toán khó?.
Trong những ngày trường học đóng cửa, cô gái 18 tuổi mô tả cuộc sống của mình thật buồn chán và không thể tập trung ôn tập. Buổi sáng Lệ và đứa em trai lớp 9 lùa đàn bò 17 con lên núi thả. Trưa về nghỉ một lúc, chiều lại tiếp tục đến 4 -5h. Thỉnh thoảng cô mang theo điện thoại, sách vở ôn tập, nhưng "học cũng như không".
Hway - tên ngôi làng nơi gia đình Lệ sinh sống, không có sóng điện thoại. Tối đến, Lệ lấy xe máy chạy hơn 3 km, vào UBND xã Đăk Tnang dùng "ké" wifi để học trực tuyến. Lệ mượn bàn và ghế nhựa, đặt giữa hành lang để ngồi học.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi từ 19 đến 21h, Lệ vừa xem các bài giảng của các giáo viên bộ môn đăng trên trang của trường, làm bài tập và vừa xem lại video bài giảng trực tuyến trên truyền hình hồi sáng, qua Youtube. Một mớ kiến thức hỗn độn không đầu không cuối, trong khi không có sự tương tác nào giữa trò và thầy.
Gặp bài nào không hiểu, Lệ chẳng biết hỏi ai. Nhiều lần thử gọi, nhắn tin hỏi bạn, nhưng những lời giải thích qua loa qua điện thoại chỉ khiến nữ sinh lớp 12 thêm rối. Vậy nên Lệ cho mình quyền được bỏ qua các bài tập khó, và về nhà ngủ sớm hơn mọi hôm.
Lệ chia đều lịch học online 9 môn thi tốt nghiệp trong một tuần và tập trung nhiều nhất vào ba môn khối C, Văn, Sử, Địa. Gần đây, biết có chương trình dạy học truyền hình, Lệ và đứa em trai chăm chú theo dõi vài hôm, song chiếc tivi của gia đình cứ chập chờn lúc được lúc không, khiến cả hai chán nản.
Học trên truyền hình được ba môn Toán, Văn, Anh, phát sóng lúc 9h35 thứ năm đến thứ bảy và phát lại vào 14h45 các buổi chiều cùng ngày. Thời lượng phát mỗi môn 40 phút. Tuần tiếp theo, sẽ phát sóng liên tục ba môn học theo khung giờ trên.
Bạn cùng phòng với Lệ - Đinh Thị Xuyết, ghi chi tiết lịch dạy trên truyền hình trong cuốn sổ tay, song Xuyết học bữa được bữa không, bởi thời gian phát sóng cô đang ở trên đồi chăn đàn bò 14 con.
Nhà nữ sinh ở làng Bla, xã Đăk Song, huyện Kông Chro, cách trường nội trú hơn 35 km. Ba năm trước, kết thúc trung học, nhiều em trong làng bỏ học. Nhưng khát vọng vào giảng đường, cô gái người Ba Na quyết tâm đeo đuổi việc học.
Từ khi nghỉ dịch, ban ngày Xuyết phụ giúp bố mẹ chăn đàn bò, đến tối mịt mới về. Chiếc điện thoại thông minh cũ dùng liên lạc, nay Xuyết đăng ký mạng 3G, tháng 50 nghìn đồng. "Lúc chăn bò có mang điện thoại, sách vở theo để học, nhưng mạng chập chờn, pin chai, dùng vài chục phút là tắt ngúm", Xuyết nói.
Các môn còn lại khi nào thầy cô đăng bài lên trên trang học sinh tự vào học và làm bài tập. "Chỗ nào khó hiểu, không biết làm thì tra mạng xem cách giải", Đinh Thị Xuyết, nói và thừa nhận bản thân còn lúng túng về cách học, phương pháp tự học.
Gia Lai có gần 450.000 học sinh. Sở Giáo dục và đào tạo Gia Lai đang triển khai chương trình dạy học trên truyền hình cho học sinh lớp 9 và lớp 12. Tuy nhiên, do địa phương có số lượng học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 40%, dân cư phân bố rải rác, nhiều khu vực chưa có điện lưới, sóng di động... Nên số lượng học sinh tham gia học truyền hình 45 % và học trực tuyến 10%.
Ông Phạm Hữu Hùng, Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Hà Huy Tập cho biết trường có tất cả 624 học sinh, trong đó 153 học sinh người dân tộc thiểu số tham gia học trực tuyến chưa đạt 40%.
Kông Chro là huyện nghèo của tỉnh Gia Lai, điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhiều thôn bản chưa có sóng điện thoại, mạng nên việc giảng dạy online, truyền hình chỉ là giải pháp tạm thời. "Nhà trường đang khuyến khích các em đã học bài giảng rồi thì cho bạn trong làng không có điện thoại mượn học. Ngoài ra không còn cách nào khác, trong thời gian cách ly toàn xã hội", ông Hùng nói.
Đầu tháng 4, tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum đang triển khai dạy học qua truyền hình. Ngành Giáo dục các tỉnh Tây Nguyên đang lên kế hoạch bố trí giáo viên dạy lại các bài giảng, ôn tập kiến thức cho học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn... khi các em đi học trở lại.
Lệ và Xuyết tin rằng, nếu cố gắng, mọi đứa trẻ nghèo đều có thể về cùng vạch đích. Giờ bỗng nhiên mọi chuyện thay đổi, giáo dục lại thể hiện sự bất bình đẳng, khi phụ thuộc vào hạ tầng.
Là một thanh niên năng nổ, thích tham gia các hoạt động đoàn thể, năm nay Lệ dự định thi vào ngành Công tác xã hội. Xuyết ước mơ làm giáo viên. Nhưng cơn "bão dịch" đang làm xáo trộn các kỳ thi, thay đổi phương pháp học, khiến "cánh cửa" bước vào giảng đường của hai cô gái người Ba Na và hàng trăm nghìn học sinh miền núi gặp khó khăn.
"Bây giờ em chỉ mong đậu tốt nghiệp thôi", nói dứt câu, Lệ vội vàng chạy lên núi, cầm roi quất liên tiếp vào con bò rời khỏi đàn, rồi mất hút sau nương mì đang héo rũ vì khô hạn.
Trần Hóa