Nữ sinh lớp 10D6, trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy (Hà Nội), đạt hạnh kiểm tốt, học sinh giỏi với điểm tổng kết học kỳ I là 8,4. Thành tích này là bình thường so với nhiều bạn và sự kỳ vọng của nhiều phụ huynh, nhưng với Tâm là điều kỳ diệu. Tất cả diễn ra sau hai lần va chạm, xung đột với học sinh khác hồi đầu lớp 10 và những buổi tâm sự hàng ngày của cô chủ nhiệm.
Dưới đây là chia sẻ của Diệu Tâm (Tâm xưng "con" theo văn hóa xưng hô ở trường):
Con là Nguyễn Diệu Tâm. Học kỳ I vừa rồi, con đạt học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt - điều mà trong suốt bốn năm THCS con chưa từng làm được. Con rất hạnh phúc với kết quả này. Thậm chí, ông bà con đã khóc vì mừng, vì nhìn thấy đứa cháu đã cố gắng và thay đổi như nào.
Con sinh ra trong gia đình với nhiều biến cố. Bố mẹ ly hôn và sau đó đều có gia đình riêng nên từ nhỏ con sống với ông bà nội. Dù ông bà rất thương và luôn chăm sóc chu đáo cho con, sự thiếu thốn tình cảm của bố mẹ luôn khiến con cảm thấy buồn và ghen tị với bạn bè. Con trở nên cục cằn, nóng tính. Từ cô bé học sinh giỏi những năm tiểu học, con dần đánh mất mình khi bước vào bậc THCS.
Đỉnh điểm năm lớp 7, con bắt đầu đua đòi bạn bè và bỏ bê học hành. Bố mẹ không ở cạnh, ông bà biết nhưng chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở vì rất yêu thương con nên được đà con càng chơi bời.
Con sẵn sàng bảo vệ cái đúng nhưng cũng sẵn sàng chửi nhau, va chạm với những bạn làm con cảm thấy chướng tai gai mắt. Con hỗn đến mức "bật lại" cả giáo viên khiến cô ít quan tâm con hơn, không còn nhiều thiện cảm với con nữa, thậm chí bực mình khi nhìn thấy con. Và cũng từ đó, con sa sút mọi mặt. Con ghét việc học, ghét phải đến trường. Con không còn khái niệm tập trung học trên lớp và làm bài tập về nhà.
Lớp 9, con gây gổ với các bạn trường ngoài. Nó không quá nghiêm trọng nhưng khiến ông bà, bố mẹ và thầy cô rất lo lắng. Rồi con bị học sinh trung bình. Lần đầu trong đời con xuống đến mức trung bình khiến cô giáo chủ nhiệm phải gọi gia đình lên gặp mặt. Vào thời điểm đó, con không hề nghĩ đến việc sẽ khiến ông bà, bố mẹ buồn.
Dù không thích học, con vẫn nhận thức được phải tiếp tục đi học. Thi vào THPT, con đỗ nguyện vọng 2 vào trường THPT Thượng Cát. Thế nhưng, vì chán học con đã bảo bố cho vào trường tư để được thoải mái hơn. Hồi đó ở cùng ông bà trong căn nhà nhỏ trên đường Hoàng Quốc Việt, gần trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, lại thấy nhiều anh chị đã học ở trường khen tốt, con nằng nặc đòi học trường này và được gia đình đồng ý.
Mới đầu vào trường, con vẫn giữ bản tính bồng bột, bảo vệ cái đúng bằng được và nhất định không chịu nhịn khi thấy chuyện bất bình. Con vẫn chơi được với những bạn trong lớp nhưng rất khó chịu với những thứ gai mắt xung quanh.
Đầu tháng 9, con có một xích mích với một chị lớp 12 ở phòng ăn. Khi đó, đang ngồi ăn thì chị đến hỏi nhóm con học lớp mấy. Khi bảo lớp 10, chị đã chỉ tay bảo nhóm con ra chỗ khác. Con thấy rất vô lý nên đã to tiếng với chị rồi ngồi lì ở đó.
Lúc sau, vào giờ ngủ trưa, cô chủ nhiệm Đào Thị Ninh hỏi ai có chuyện bức xúc hãy kể cho cô nghe. Cô vẫn hay bảo bọn con kể chuyện rồi tự đặt tên cho câu chuyện của mình. Con đã kể lại chi tiết câu chuyện ở nhà ăn.
Sau khi câu chuyện kết thúc, như thường lệ, cô hỏi con đặt tên cho câu chuyện là gì. Con nói là "Ngứa mắt" vì con cảm thấy ngứa mặt thật sự. Thế nhưng, cô nói con làm như vậy là chưa được. Cô đã đặt tên cho câu chuyện là "Điều không tính trước" rồi giải thích những hậu quả khôn lường khi xung đột xảy ra. Cô cũng giải thích để con thấy cách xử lý của con không tốt. Con đã hiểu chuyện hơn nhưng vẫn cảm thấy không thể bình tĩnh khi gặp chuyện bất bình.
Đến ngày trải nghiệm gia đình, con tiếp tục có mâu thuẫn với một bạn lớp khác chỉ vì bạn chơi không đúng luật. Suýt nữa chúng con đánh nhau. May thầy giám thị và cô Ninh phát hiện kịp thời mà con thoát được hậu quả của bản chất "chị đại" từ năm cấp hai.
Con đã nghĩ cô sẽ ghét con vì gây chuyện rồi sẽ kỷ luật nhưng không. Cô Ninh không hề mắng mỏ, chỉ tâm sự cùng con và bố, khiến con và bố rất cảm động. Cả hai bố con đều khóc trước mặt cô. Từ hôm đó, có điều gì đó rất mới lạ hiện ra làm thay đổi tâm hồn u tối của con.
Cũng từ đó, cô Ninh tâm sự với con hàng ngày, khuyên nhủ và dạy con cách xử lý những tình huống dễ dẫn đến xung đột. Những gì cô nói khiến con thấm dần. Cô Ninh rất hiểu tâm lý con, hai cô trò có thể nói chuyện với nhau như mẹ con mà không hề cảm thấy có khoảng cách. Cô còn tin tưởng và giao cho con làm lớp phó quản lý vệ sinh cho lớp. Con trở nên trách nhiệm hơn và biết kiểm soát cảm xúc hơn, không còn bốc đồng như trước.
Con nghĩ lại những chuyện đã xảy ra từ cấp hai tới giờ. Con hối hận vì khiến ông bà, bố mẹ buồn và thất vọng nhiều. Con cũng hối hận vì luôn định kiến mẹ hai sẽ không yêu thương con. Thực tế, mẹ quan tâm và thương con rất nhiều. Từ tâm trạng tiêu cực, không muốn ở cùng bố mẹ, con đã cảm nhận được tình cảm mọi người dành cho con. Con không chỉ có bố mẹ đẻ yêu thương mà còn có thêm nhiều người quan tâm mình nữa.
Giờ thì con đã vượt qua được bản tính "chị đại học đường" mà bạn bè vẫn hay gắn mác, con vượt qua được những cám dỗ để không còn đua đòi, chơi bời lêu lổng. Đứng trước tình huống khiến con khó chịu, con sẽ im lặng, để khi nào hết tức giận mà người đối diện muốn nói chuyện lại thì con sẽ nói chuyện với họ chứ không bồng bột, động chút là chửi bới, lên giọng nữa. Con đã biết lắng nghe mọi người, tiếp thu góp ý để tiến bộ.
Dù chưa thực sự thích học, con đã chú ý nghe giảng trên lớp, không ngủ gật như trước. Các thầy cô ở trường không đặt áp lực con phải đạt điểm 9, điểm 10 mà chỉ động viên để con cố gắng đạt điểm cao hơn những lần trước. Điều này khác hẳn những gì con đã trải qua khi học THCS.
Vốn thích âm nhạc, con đã đăng ký tham gia lớp nghệ thuật của trường, được học về thanh nhạc và chơi nhạc cụ, biểu diễn trong các sự kiện ở trường. Con còn là thành viên câu lạc bộ âm nhạc bên ngoài trường và đi biểu diễn trong các quán cafe hay trên phố cổ.
Con vui sướng khi nhìn thấy cô phê bốn chữ "thay đổi ngoạn mục" trong phần nhận xét tháng gửi về gia đình. Con cảm ơn cô chủ nhiệm và các thầy cô đã đem lại cho con những cảm xúc tích cực, giúp con học tốt hơn, gần gũi hơn với ông bà, bố mẹ. Con sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành con ngoan, trò giỏi, không để thầy cô, ông bà và bố mẹ phải lo lắng.
Cô Đào Thị Ninh, giáo viên chủ nhiệm lớp 10D6, đánh giá bản tính của Diệu Tâm rất tốt, chỉ là em chưa biết cách kiểm soát cảm xúc, cư xử với mọi người. Sau khi tìm hiểu được hoàn cảnh và nắm bắt được tâm lý của Tâm, cô đã trò chuyện với em hàng ngày, đưa ra nhiều lời khuyên và dẫn nhiều ví dụ. Cô quan sát, ghi nhận, khích lệ sự tự tin trong em.
25 năm giảng dạy tại trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cô Ninh nhận ra những học sinh hơi tí là cà khịa, bắt nạt bạn ra vẻ vậy thôi chứ bản thân cũng đang gặp khó khăn không kém các nạn nhân, đa phần do hoàn cảnh gia đình như bố mẹ ly hôn hay có khuyết tật cơ thể. Các em trút giận lên ai đó để cố gắng thể hiện mình mạnh mẽ thông qua các hành vi kiểu "anh đại", "chị đại". Chính vì vậy, giáo viên cần gần gũi để nghe những câu chuyện, những điều các em muốn nói, từ đó có cách tiếp cận để thay đổi học sinh.
"Bốn tháng trôi qua kể từ ngày đầu tôi gặp Tâm, con chưa thực sự được như tôi mong đợi, song với con là bước chuyển rất lớn. Bố mẹ con đã rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi tìm lại được hình ảnh đứa con gái dễ thương ngày nào. Điều đó cũng khiến giáo viên chủ nhiệm như tôi hạnh phúc", cô Ninh nói.
Dương Tâm (ghi)