Chiếc điện thoại di động đầu tiên mà tôi sở hữu không phải là Nokia của Phần Lan mà là... Ericsson của Thụy Điển, một thương hiệu mà có lẽ thế hệ 9x trở đi chưa từng biết đến sự tồn tại của nó. Nhưng câu chuyện mà tôi muốn kể không phải về Ericsson mà là Nokia.
Năm 2001 khởi đầu cho thời đại hoàng kim của điện thoại di động nói chung cũng như của thương hiệu Nokia nói riêng, thời đại mà chỉ cần nhắc đến điện thoại di động thì hầu như mọi người đều nghĩ đến Nokia và ngôi vương của Nokia cũng bắt đầu từ đây.
Ở Trung Quốc vài năm trước đó, điện thoại di động được xem là một món hàng xa xỉ, chỉ những người có thế lực, có địa vị xã hội mới có khả năng sở hữu điện thoại di động. Cũng trong khoảng thời gian đó, tại Hong Kong và Đài Loan, những đại ca trong giới xã hội đen đều sở hữu điện thoại di động để thực hiện những giao dịch đen. Vì lẽ đó, thời ấy, tại Trung Quốc cũng như tại Hong Kong và Đài Loan, điện thoại di động còn có một tên gọi khác là "đại ca đại".
2001 là năm thứ hai tôi học ở Trung Quốc. Ngày ấy sinh viên du học ở một thành phố tỉnh lẻ thuộc Trung Quốc như tôi có thể được xem là gia đình có chút điều kiện nhưng việc sở hữu một chiếc điện thoại di động lại là chuyện khác. Sinh viên Việt Nam du học tại Trung Quốc ngày ấy đa số đều không có điện thoại di động. Mỗi lần muốn gọi điện thoại về nước thăm gia đình, chúng tôi đều phải ngồi xe ra tận bưu điện trung tâm thành phố, vừa nhìn vào trang giấy đã viết sẵn những nội dung cần nói với người thân vừa nói với tốc độ nhanh vừa xem đồng hồ vì giá cước cuộc gọi quốc tế rất cao.
Bạn cùng phòng với tôi là một "đại ca học đường" khét tiếng nhất ký túc xá sinh viên Việt Nam. Gia đình đại ca có điều kiện tốt nên chuyện sở hữu một chiếc điện thoại di động đời mới để mỗi ngày tụ tập "Hoa Sơn luận kiếm" với các huynh đệ trong ký túc xá là chuyện trong tầm tay của đại ca.
Khi Nokia 3310 vừa mới lên kệ, đại ca đã lập tức sở hữu nó. Chỉ vài tháng sau, đại ca đổi điện thoại mới và ngỏ ý muốn bán rẻ lại cho tôi. Tôi nói tôi không có đủ tiền để mua lại, đại ca đề nghị bán trả góp cho tôi. Thế là từ dạo ấy, với chiếc Nokia 3310 màu xám tro trong tay, tôi đã trở thành đại ca bất đắc dĩ, một đại ca không biết đánh đấm, không biết ăn hiếp người khác, lẽ đương nhiên là không có đệ tử. Cảm giác lần đầu tiên sở hữu một "chú dế" nhỏ gọn vẫn còn mới cứng chỉ sau vài tháng sử dụng thật khó tả. Cảm giác đó hoàn toàn khác xa so với cảm giác của lần đầu tiên sở hữu "cục gạch" cũ Ericsson 688, với viên pin vừa to vừa nặng hơn cả một chiếc Nokia 3310.
Từ khi sở hữu Nokia 3310, tôi không còn phải tìm đến những nơi có đặt điện thoại công cộng, cũng không còn phải tìm mua các loại thẻ nhựa IP dùng để gọi đi qua chiếc điện thoại bàn trong phòng. Vào mỗi ngày cuối tuần, tôi không cần phải đến bưu điện nữa mà dùng dế cưng của mình để gọi về thăm gia đình, dù vẫn phải gọi thông qua thẻ IP chuyên dùng cho các cuộc gọi quốc tế nhưng giá cước rẻ hơn rất nhiều so với giá của bưu điện. Bạn gái tôi có thể gọi tìm tôi bất cứ lúc nào cô ấy muốn mà không cần đợi đến khi tôi về phòng. Gia đình tôi có thể gọi cho tôi những khi có việc quan trọng.
Sống ở Trung Quốc nên tôi cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều văn hóa của họ. Màu đỏ là màu yêu thích của người Trung Quốc và không biết từ lúc nào, tôi cũng thích màu đỏ giống như họ. Đó cũng là lý do mà chỉ vài tháng sau đó tôi thay cho dế cưng của mình một bộ vỏ màu đỏ tươi khiến nó càng thêm nổi bật hơn khi cầm trên tay.
Chú dế Nokia đầu tiên ấy của tôi rất bền bỉ, từng chịu qua không biết bao nhiêu va đập, có lúc nó bị rơi đến nắp một nơi pin một nẻo nhưng khi lắp pin lại vẫn dùng tốt như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Đó cũng là mẫu Nokia duy nhất thời ấy có âm lượng nhạc chuông được xem là "hỗn" nhất so với những mẫu Nokia khác bởi chỉ cần vô tình nghe thấy tiếng nhạc chuông cuộc gọi đến phát ra từ đâu đó là những Nokia fans đều có thể dễ dàng nhận ra đó chính là "tiếng gáy" của chú dế Nokia 3310 quen thuộc.
Tết năm 2004, lần đầu tiên trong đời tôi được sở hữu một chú dế mới nguyên seal, vẫn là sự lựa chọn trung thành với Nokia, chú dế có...tí màu Nokia 6610 mở đầu cho thời kỳ điện thoại di động có màn hình màu. Khi nhìn thấy tôi thay sim từ dế cũ sang dế mới, người bán hàng đã ngỏ ý muốn mua lại dế cũ của tôi với giá tốt. Cô ấy nói có rất nhiều kỹ sư xây dựng muốn mua lại Nokia 3310 để dùng khi đi công trình. Cuối cùng thì sự thực dụng đã thắng và tôi đành tiễn dế cưng một thời của mình ra đi.
Dế ơi, cảm ơn bạn đã luôn bên tôi những lúc tôi cần. Bạn đã giúp tôi kết nối với những người thân yêu, với những mối quan hệ bên ngoài. Sau ba năm tận tụy phục vụ tôi, bạn vẫn tiếp tục có ích cho người chủ mới của bạn. Có lẽ bạn đã sớm được yên nghỉ ở một nơi nào đó trên trái đất này. Tôi sẽ luôn nhớ mãi về bạn.
Đỗ Việt Bằng
Từ 25/10 đến 21/11, chuyên trang Số hóa của VnExpress tổ chức cuộc thi "Chiếc điện thoại Nokia đầu tiên của tôi". Đây là nơi bạn đọc chia sẻ kỷ niệm về chiếc điện thoại di động Nokia đầu tiên mà mình sở hữu, những giá trị mà hãng công nghệ Phần Lan mang lại. Thời gian gửi bài dự thi bắt đầu từ 10h ngày 25/10 đến hết 24h ngày 21/11, tương đương 4 tuần thi.
Mỗi tuần, ban tổ chức sẽ trao ba giải thưởng tuần cho ba bài viết có số điểm cao nhất, mỗi giải là một điện thoại Nokia 3.1 trị giá 3,99 triệu đồng.
Cuối cuộc thi, ban tổ chức sẽ lựa chọn ra các bài dự thi có chiếc điện thoại Nokia đầu tiên vẫn còn sử dụng được cho đến hiện nay để chấm điểm, sau đó chọn ra ba bài viết có nội dung hay và cảm xúc nhất để trao giải đặc biệt. Mỗi giải là bộ đôi điện thoại Nokia 6.1 Plus (trị giá 6,59 triệu đồng) và Nokia 5.1 Plus (trị giá 4,79 triệu đồng).