Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gần đây cho thấy, năng suất lao động của người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương; thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn.
Nhắc lại thông tin này tại buổi thảo luận tổ ngày 21/10, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng "cần giải mã điều này, để năng suất như thế không ổn". Chính phủ cần giải trình vì sao năng suất lao động lại thấp và tăng chậm. "Các nước tiến lên còn mình thụt lại. Đây là dẫn chứng cho thấy giữa báo cáo và thực tiễn là khoảng cách lớn. Các báo cáo chỉ nêu ‘năng suất lao động thấp và có xu hướng tăng chậm’ mà không có sự so sánh, lý giải”, đại biểu Tâm nhấn mạnh.
Đề cập việc Việt Nam đứng ở cuối bảng về năng suất lao động, đại biểu Lê Minh Thông cho rằng, Chính phủ phải tìm rõ vì sao năng suất lao động lại thấp. Đầu tư, tái cơ cấu nền kinh tế mà năng suất lao động không có thì lãng phí. “Đã đến lúc chúng ta nhìn nhận năng suất lao động một cách nghiêm túc là yếu ở khâu nào, từ đó tìm ra cách tổ chức sản xuất như thế nào để có thể cải thiện. Không phân tích, mổ xẻ kỹ thì khó tìm giải pháp thực tế”, đại biểu Minh Thông nói.
Thừa nhận thực trạng năng suất lao động của người Việt thấp, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân, chuyên gia về kinh tế, lại có cái nhìn khá lạc quan. Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ngày 22/10, ông Ngân chia sẻ: “Năng suất lao động của mình thấp hơn các nước cũng đừng lấy làm bức xúc vì đó là tính bình quân. Có người làm nhiều, có người làm ít, còn người Việt Nam mình rất trí tuệ”.
Lý giải cho quan điểm của mình, đại biểu này cho biết, năng suất lao động được tính bằng cách lấy GDP chia cho lực lượng lao động. GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 1.191 đôla, trong khi Phillippines vào khoảng 2.500, Indonesia 3.600, Thái Lan khoảng 5.800…
Lực lượng lao động của Việt Nam là 54 triệu người, một nửa là lao động nông nghiệp, số có ký hợp đồng chính thức rất thấp. Với lao động nông nghiệp, một người có khi một ngày làm một giờ, gặp mùa mưa không đi làm, có khi nghỉ chơi Tết cả tháng. Vì thế nói năng suất lao động của người Việt rất khó.
“Nếu đi thi, sẽ thấy chúng ta được huy chương vàng, năng suất lao động rất tốt, nhưng tính bình quân thì lại rất thấp, tức là thống kê có vấn đề. Có người không lao động, nội trợ nhưng vẫn thống kê là lao động, lao động một giờ vẫn thống kê là lao động cả một ngày. Lao động phi chính thức ở nước ta rất nhiều, do đó chỉ số thất nghiệp rất thấp vì ai cũng lao động”, đại biểu Hoàng Ngân phân tích.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, kiến nghị cần tăng lương để tăng năng suất. Trong tình hình năng suất lao động thấp như hiện nay thì Chính phủ cần ưu tiên chi cho tăng lương.
“Đây không chỉ là mong muốn của riêng tôi mà của nhiều đại biểu. Tái cơ cấu nền kinh tế mà không tái cơ cấu nhân lực, không bù đắp đủ chi phí cho con người, không làm cho con người có đời sống bảo đảm để tái sản xuất sức lao động thì không có điều kiện tăng năng suất”, Phó chủ nhiệm Lợi nhấn mạnh.
Chia sẻ với VnExpress trước đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chỉ ra 4 nguyên nhân của thực trạng năng suất lao động thấp. Thứ nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng cấp của Việt Nam chưa đến 20% trong khi của Singapore là gần 80%.
Thứ hai, công nghệ chủ yếu ở trình độ thấp, công nghệ cơ khí và sử dụng nhiều lao động. Lấy ví dụ cùng sản xuất một mặt hàng nhưng nhà máy của Trung Quốc sản xuất trên dây chuyền cơ giới hóa, tự động hóa thì chỉ cần ít lao động.
Thứ ba, trình độ quản lý lao động của Việt Nam kém. Người ở vị trí quản lý không có đủ kỹ năng nhận biết người này giỏi hơn thì thu nhập cao hơn mà tất cả mọi người đều cào bằng ở mức thu nhập như nhau. Như vậy thì người lao động không có động lực làm việc.
“Nhiều nhà đầu tư nước ngoài rất ngạc nhiên là tại sao sau bao nhiêu năm một người được tuyển về năng suất lao động không tăng. Ví dụ vừa vào họ may được 20 sản phẩm thì 3 năm sau họ vẫn chỉ may được bằng đấy sản phẩm, không tăng”, bà Hương nói.
Nguyên nhân thứ tư là sự luân chuyển lao động rất cao. Có thời điểm một nhà máy một ngày phải tuyển tới 500 người, cứ tuyển vào, đào tạo rồi công nhân lại đi, lại tuyển mới vào. Như thế, năng suất lao động không thể cao được.
Ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng, ngoài tiến bộ công nghệ, khoa học kỹ thuật thì thể trạng, sức khỏe, độ bền của người lao động cũng ảnh hưởng đến năng suất.
Ông Đại dẫn chứng trong cuộc thi tay nghề khu vực ASEAN, xét về chuyên môn, Việt Nam bao giờ cũng đứng trong top 3, nhưng độ kéo dài, sức bền, làm việc cường độ lớn lại kém. Thiếu kỹ năng mềm cũng là điểm yếu lớn nhất của lao động Việt Nam. Giao tiếp không thành thục, truyền đạt thông tin kém, tuân thủ quy trình lao động không tốt, ngoại ngữ kém… đều dẫn đến giảm năng suất.
Quốc hội dự kiến sẽ thông qua Luật Dạy nghề sửa đổi trong kỳ họp này. Dự thảo luật nhấn mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo lao động thông qua các chương trình ưu đãi thuế.
Theo thống kê của ILO, tốc độ tăng của năng suất lao động giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%. |
Nam Phương