Tại buổi làm việc giữa Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với UBND thành phố chiều 12/10 về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, những ngày qua ô nhiễm ở bãi rác Đa Phước (huyện Bình Chánh) đã gây hoang mang cho cử tri.
Theo ông Nghĩa, Phú Mỹ Hưng là đô thị kiểu mẫu hàng đầu của Việt Nam. Họ chỉ mới đầu tư một phần dự án, nếu không ổn thì nhiều nhà đầu tư khác sẽ tháo chạy đi nơi khác.
"Nếu để mùi hôi thế này thì ảnh hưởng đến tăng trưởng của thành phố. Chúng ta nói xây dựng thành phố thông minh, nhưng đô thị kẹt xe, ngập nước, hôi hám thế này thì không cách nào thông minh cho được", ông Nghĩa nói.
Chôn lấp rác, ông Nghĩa cho rằng, không có nghĩa là không xử lý gì. Yêu cầu của chôn lấp là nước rỉ rác không được để thoát ra môi trường và phải xử lý nghiêm ngặt. Khí thải thoát lên cũng rất nguy hiểm, đòi hỏi phải xử lý đến mức độ nào rồi mới đưa trở ra môi trường.
"Quy trình, công nghệ xử lý của công ty như thế nào, có đảm bảo yêu cầu không? Chúng ta có giám sát được hay không, giải pháp trước mắt, lâu dài như thế nào đề nghị làm rõ cho cử tri biết", ông Nghĩa đề nghị.
Ông nói thêm rằng, thành phố đã đi học kinh nghiệm về xử lý rác từ rất lâu. Bản thân ông cũng theo đoàn Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải đi Hàn Quốc học tập kinh nghiệm. Đứng tại đỉnh rác bên đó cũng có mùi nhưng là một mùi hoàn toàn có thể chấp nhận được.
"Đó là công nghệ của Hàn Quốc cách đây hơn 10 năm. Còn ở Đa Phước nói là làm theo công nghệ Mỹ hiện đại thì phải hơn của Hàn Quốc chứ. Tôi không chấp nhận giải pháp chỉ giảm thiểu, mà phải xử lý cho đàng hoàng. Phải yêu cầu nhà đầu tư xử lý cho nghiêm túc, còn không thì di dời chứ không thể chấp nhận được", ông Nghĩa nói.
Trả lời đại biểu Nghĩa, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, môi trường là một trong những vấn đề mà thành phố hết sức quan tâm.
"Vừa qua, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đòi trả lại cho thành phố 2.000 tấn rác (trong số 5.400 tấn mỗi ngày) tại khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. UBND thành phố đã có hướng trả lời và đã công khai. Trong thông cáo đã cho biết sẽ mời Bộ Tài nguyên - Môi trường, các chuyên gia vào đánh giá lại cả về Đa Phước và Phước Hiệp", ông Liêm nói.
Theo nội dung hợp đồng xử lý rác với TP HCM, VWS cam kết sẽ tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt; sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động Đa Phước chủ yếu là chôn lấp rác.
Cuối tháng 9, bãi rác Đa Phước bị nhà chức trách xác định là thủ phạm gây ra mùi hôi thối ở khu Nam Sài Gòn (quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè) kéo dài nhiều tháng. Nơi phát tán mùi hôi là khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác.
Bị yêu cầu thực hiện một số giải pháp để hạn chế mùi hôi, VWS gửi công văn đề nghị trả lại 2.000 tấn rác cho thành phố từ ngày 10/10. Tuy nhiên, chính quyền TP HCM cho rằng đề nghị này không có cơ sở pháp lý, đồng thời yêu cầu công ty tiếp tục nhận rác và phải khắc phục tình trạng mùi hôi.
Trung Sơn