Là một trong hai đại biểu cuối cùng đặt câu hỏi trong ngày chất vấn đầu tiên, ông Trần Ngọc Vinh nêu vấn đề an toàn thực phẩm đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh. Ảnh: Giang Huy. |
Nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Cao Đức Phát trong việc khắc phục tình trạng sử dụng thuốc trừ sâu, chất cấm trong chế biến nông sản và chăn nuôi, đại biểu Hải Phòng nhận định vấn đề này không giảm mà có chiều hướng gia tăng về số lượng và mức độ nguy hiểm.
Dẫn nhiều ví dụ về thịt lợn có chất cấm, chuối ngâm thuốc trừ sâu, rau quả có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, đại biểu nói: "Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế". Câu nói của ông Vinh làm cả hội trường xôn xao.
Từ đó, ông Vinh đặt câu hỏi: "Tại sao Bộ đã thực hiện nhiều giải pháp song tình trạng này không giảm mà vẫn còn chiều hướng gia tăng? Nguyên nhân của vấn đề này là gì?".
"Phải chăng do chính sách chưa đủ răn đe hay do sự thiếu quyết tâm của Bộ? Trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng và ngành nông nghiệp trước cử tri cả nước như thế nào khi hàng năm có hàng chục nghìn cái chết được dự báo trước xuất phát từ thức ăn bị nhiễm độc", ông Vinh truy vấn.
Trong phần giải đáp vào sáng 17/11, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, liên quan đến lĩnh vực vật tư nông nghiệp, an toàn vệ sinh thực phẩm, toàn ngành đã xác định sẽ làm hết sức để chấn chỉnh; tập trung vào 5 nhóm giải pháp như tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, tăng cường năng lực hệ thống.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp thừa nhận các giải pháp chỉ thực hiện ở mức độ kiềm chế tình hình chứ chưa có cải thiện đáng kể. Thậm chí gần đây một số việc còn xấu đi như việc sử dụng kháng sinh, chất cấm chăn nuôi đang bùng phát.
Dẫn báo cáo giám sát an toàn thực phẩm 9 tháng đầu năm cho thấy, 1% thủy sản, 10% rau, 7% thịt có dư lượng vượt mức cho phép, nguyên nhân theo ông Phát không phải là thiếu quyết tâm hay cơ sở pháp lý mà bởi việc triển khai hướng dẫn tổ chức sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân và hàng chục nghìn cơ sở sản xuất vật tư chưa đủ sâu rộng để tạo ra chuyển biến căn cơ.
"Những ngày này chúng tôi phối hợp Bộ Công an tổ chức đoàn kiểm tra đến bắt tận tay doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, vì vậy thực trạng đã giảm, nhất là phía nam. Mẫu chất cấm giảm chỉ còn 3-4% so với trước đó 16%", ông Phát nói.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa. |
Một số đại biểu khác lo ngại khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp khi Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới. "AEC và TPP sẽ mở ra các cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và nông nghiệp nói riêng, nông dân Việt Nam mong muốn nắm bắt cơ hội này, xin Bộ trưởng tư vấn cho nông dân nên trồng cây gì, nuôi con gì để sản phẩm nông nghiệp có thể hội nhập", đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Đại biểu Hòa cũng đưa ra thực trạng sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đang "nhường chỗ" cho sản phẩm nước ngoài. "Gạo Thái Lan được bày bán ngày càng nhiều trên thị trường; thịt gà Mỹ, thịt bò Australia nhập khẩu ngày càng nhiều", từ đó ông đặt câu hỏi "Liệu nông nghiệp có thua trên sân nhà hay không".
Đáp lại, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, các hiệp định tạo cơ hội cho nông nghiệp tiếp cận thị trường nhiều hơn, nhưng cần có sản phẩm với khả năng cạnh tranh mạnh mới phát huy được. Trong khi đó, một số sản phẩm của Việt Nam như như mía đường, sản phẩm chăn nuôi... sức cạnh tranh lại rất yếu.
Lý giải về điều này, ông Phát dẫn chứng, 70% sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam là do các hộ nhỏ lẻ sản xuất. Trong khi Mỹ chỉ có 40 công ty và 29.500 hộ nuôi nhưng mỗi năm xuất tới 9 tỷ con gà, Việt Nam có tới 8 triệu hộ nuôi nhưng chỉ nuôi 320 triệu con gà một năm, vì vậy năng suất chất lượng thấp mà giá thành cao.
Để khắc phục, ông Phát đưa ra giải pháp là tổ chức sản xuất và hỗ trợ nông dân nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất ra nông sản có chất lượng.
Chưa thỏa mãn với câu trả lời, theo đại biểu Hòa, nếu tổ chức sản xuất áp dụng khoa học kỹ thuật thì đúng với tất cả ngành. "Điều mà tôi mong đợi là chiến lược của ngành khi hội nhập AEC và TPP là gì, trong đó sản phẩm nông nghiệp là con gì, cây gì được sử dụng để thâm nhập vào thị trường bên ngoài, và ngược lại thị trường nội địa làm gì để không thua trên sân nhà", ông Hòa hỏi lại.
Hương Thu