Trong đợt lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên giữa năm 2013, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là người được tín nhiệm nhất với 372 lá phiếu tín nhiệm cao, chỉ 14 phiếu tín nhiệm thấp. Lần này, bà Ngân tiếp tục giữ vị trí đầu tiên với 390 phiếu tín nhiệm cao (chiếm 78% tổng số đại biểu Quốc hội). Số tín nhiệm thấp hạ xuống chỉ còn 9 (gần 2%).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong đợt lấy phiếu giữa năm 2013 được 210 tín nhiệm cao và 160 tín nhiệm thấp. Lần này, số phiếu tín nhiệm cao tăng lên 320 phiếu (64%). Số tín nhiệm thấp cũng giảm còn 68 phiếu (chiếm 13%).
Ông Vũ Đức Đam, lần lấy phiếu trước còn giữ vị trí Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đạt 215 phiếu tín nhiệm cao và 29 tín nhiệm thấp. Lần này, với vị trí Phó thủ tướng, tín nhiệm cao tăng lên với 257 phiếu (chiếm 51%), số tín nhiệm thấp tăng không đáng kể với 32 phiếu (chiếm 6).
Ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, có số phiếu tín nhiệm cao tăng so với đợt đầu. Từ 238, số tín nhiệm cao dành cho ông trong đợt hai là 320 phiếu (64%). Số tín nhiệm thấp giảm từ 21 xuống 19 phiếu (gần 3).
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, ông Phạm Vũ Luận dù có nhiều cố gắng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nỗ lực đưa giáo dục đi vào thực chất cũng chưa nhận được nhiều đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội. So với lần đầu, vị trí xếp hạng tín nhiệm cao của ông có cải thiện, nhưng chưa đáng kể. Nếu lần lấy phiếu đầu, số tín nhiệm cao của Bộ trưởng Giáo dục là 86 thì lần này con số đạt 133 phiếu (chiếm 26%). Số tín nhiệm thấp cũng giảm từ 177 xuống 149 phiếu (gần 3%).
Ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải, được đại biểu quốc hội tín nhiệm cao tăng rõ rệt so với đợt đầu tiên, từ 186 tăng lên gần gấp đôi, đạt 362 phiếu (chiếm 72%) và ông Thăng đã vươn lên đứng thứ 4 về số phiếu tín nhiệm cao (362) so với 186 phiếu lần đầu. Ông cũng là thành viên Chính phủ được tín nhiệm cao nhất. Số phiếu tín nhiệm thấp cũng giảm từ 99 xuống 28.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dù đã có nhiều nỗ lực thay đổi cơ chế làm việc của ngành như cấm nhân viên y tế nhận phong bì, yêu cầu các bệnh viện công khai đường dây nóng để bệnh nhân và người nhà phản ánh tiêu cực, lắp camera theo dõi ở một số bệnh viện lớn... nhưng chưa nhận được đánh giá cao của đại biểu vì những sự kiện gây bất bình như nhiều trẻ em bị chết sau khi tiêm phòng, bệnh viện quá tải, chất lượng phục vụ một số nơi chưa tốt.
Số phiếu tín nhiệm cao của bà Tiến từ 108 của đợt đầu giảm xuống còn 97 (chiếm 19%), còn số phiếu tín nhiệm thấp từ 146 cũng tăng lên 192 phiếu (chiếm 38%).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình lội ngược dòng khi đạt 323 phiếu tín nhiệm cao so với 88 phiếu năm ngoái.
Trao đổi với báo chí ngay sau khi công bố kết quả lấy phiếu, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, kết quả này đã phản ánh đúng tình hình kinh tế xã hội của đất nước và mong đợi của cử tri. Trong thời gian qua việc điều hành trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, ngân hàng, giao thông, công thương đã hết sức quyết liệt, tạo hiệu ứng tốt cho xã hội, cử tri hết sức phấn khởi.
"Tôi đánh giá kết quả vừa công bố đã phản ánh đúng với tâm tư nguyện vọng của cử tri. Tôi tin kết quả này sẽ có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo tinh thần, lòng tin của người dân với điều hành của Chính phủ, đối với những tư lệnh ngành", bà Hải nói.
Theo bà Hải, chất lượng y tế, văn hóa trong thời gian qua, sự hưởng thụ của người dân cũng còn những hạn chế và những bất cập, chưa hẳn do điều hành của người đứng đầu mà do mối liên kết giữa các ngành nghề với nhau và do cơ sở hạ tầng tạo nên. Tuy nhiên, bà cũng khẳng định, kết quả lấy phiếu tín nhiệm này sẽ giúp các ngành đó tìm được các biện pháp để thúc đẩy sự phát triển, khắc phục những hạn chế trong thời gian tới.
Đồng quan điểm, thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (đại biểu tỉnh Hải Dương) cho biết kết quả này không làm ông bất ngờ vì nó đã phản ánh đúng thực tế đang diễn ra. “Các đại biểu Quốc hội đã thực hiện trọng trách của mình theo tôi là hết sức công tâm và đầy trách nhiệm”, tướng Rinh đánh giá.
Theo ông, những vị Bộ trưởng, tư lệnh ngành lần lấy phiếu đầu có số phiếu tín nhiệm thấp khá nhiều như Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình... đã có những nỗ lực và sự tiến bộ trong suốt hơn một năm qua. Vì vậy, lần này họ được đánh giá cao không có gì bất ngờ.
Với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người hai lần liền đều có số phiếu tín nhiệm thấp rất cao, tướng Rinh cho rằng khó có thể trách vì y tế là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới người dân, muốn chuyển biến đòi hỏi sự cộng hưởng của nhiều đơn vị, bộ ngành liên quan. "Theo tôi, Bộ trưởng Tiến cũng có nhiều nỗ lực thời gian qua", ông Rinh nhận xét.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng kết quả lấy phiếu lần này hay ở chỗ những người trước đây tín nhiệm thấp thì lần này có sức bật mạnh mẽ. Điển hình trong đó là Bộ trưởng Đinh La Thăng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình và cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đại biểu Bùi Thị An cũng đánh giá cao những nỗ lực của Bộ trưởng Đinh La Thăng. Theo bà An, trong lần lấy phiếu đầu tiên, số tín nhiệm thấp của ông Thăng không quá thấp, lần này, trong khối hành pháp, ông có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất, điều này phản ánh đúng nỗ lực của bộ trưởng, được cử tri cả nước ghi nhận.
"Tôi đánh giá cao kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này. Tôi rất mong các vị có nhiều tín nhiệm thấp cố gắng tập hợp anh em trong ngành, tìm giải pháp hữu hiệu, gỡ những khó khăn trước mắt. Chúng tôi biết phải gỡ dần chứ không thể gỡ ngay vì điều kiện rất khó khăn", bà An nói.
Hoàng Thuỳ