Thảo luận tại tổ sáng 22/5, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM nhất trí sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng cho phép lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc, thay vì tích lũy đến đủ tuổi hưu.
Đại biểu Trần Thanh Hải giải thích, làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất rất khắc nghiệt, người lao động phải dịch chuyển chỗ làm nhiều lần và rất ít người có điều kiện để về hưu. Công nhân cũng hiểu nhận trợ cấp một lần thì thiệt thòi hơn là tới khi về hưu, nhưng họ vẫn lựa chọn.
Chia sẻ "cảm thấy xấu hổ, có lỗi" với người dân, đại biểu Võ Thị Dung tha thiết đề nghị Quốc hội khi sửa đổi điều 60 phải có lời xin lỗi người lao động để họ thấy sự thực tâm trong quá trình làm luật.
"Mỗi lần qua khu công nghiệp tôi lại mủi lòng vì đời sống người lao động quá khổ. Bảo hiểm xã hội là vấn đề nhỏ, chính sách với người lao động mới là vấn đề lớn, phải có chính sách toàn diện, chứ không phải họ phản ứng đến đâu lo đến đấy", bà Dung nói và kiến nghị các luật liên quan trực tiếp đến quyền lợi của dân phải biểu quyết chiếm 2/3 mới thông qua chứ không thể trên 50%.
Cũng như bà Dung, đại biểu Trần Hoàng Ngân cảm thấy buồn vì luật vừa thông qua đã phải sửa. "Đại biểu Quốc hội cảm thấy xấu hổ chứ! Tôi là đại biểu nên cũng thấy trách nhiệm của mình ở đấy", ông Ngân bày tỏ.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thì nhấn mạnh: "Luật phải bám vào thực tiễn. Người làm luật phải suy nghĩ vì sao dân biết để lúc nhận lương hưu sẽ có lợi hơn nhưng vẫn chọn hưởng một lần? Làm luật đừng áp đặt mà phải tạo điều kiện cho người ta lựa chọn, không được tước đoạt quyền chọn lựa của người lao động".
Ở đoàn thành phố Hà Nội, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng thống nhất sửa điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội vì dù cái nhìn của công nhân ngắn nhưng nó là thực tiễn. Các khu công nghiệp ở ngay Hà Nội có khoảng 5.000 lao động, nhưng cứ sau kỳ nghỉ Tết lại có hàng trăm người xin nghỉ dù điều kiện trả lương rất tốt. "Tôi đề nghị sửa luật chứ không đưa vào nghị định. Nên bổ sung việc trả bảo hiểm xã hội một lần để công nhân được lựa chọn", ông Bình nói.
Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo thừa nhận điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã cho những người làm luật nhiều bài học. "Quốc hội thông qua luật là đúng, nhưng phải rút kinh nghiệm ở khâu lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động", ông Thảo nói.
Ở đoàn đại biểu Tây Ninh, nơi có nhiều công nhân bỏ việc phản đối điều 60, đại biểu Nguyễn Thành Tâm cho rằng đây là lần đầu tiên một điều luật chưa có hiệu lực đã bị phản ứng. "Chính phủ đã hứa kiến nghị với Quốc hội điều chỉnh, giờ Quốc hội không điều chỉnh thì rất khó, nên phải sửa, phải tôn trọng quyền lựa chọn của người dân", ông Tâm nói.
Ông đề nghị đưa ra 2 phương án lựa chọn nhưng phải đi kèm lộ trình để tăng diện tham gia bảo hiểm xã hội. Đây cũng là kinh nghiệm trong việc xử lý những việc thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Bên cạnh nhiều ý kiến bảo vệ quyền được lựa chọn của người lao động cũng có nhiều đại biểu cho rằng không nên sửa luật.
Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi cho rằng điều 60 thể hiện chính sách an sinh xã hội, để người lao động có lương hưu khi hết tuổi làm việc. Điều này phù hợp xu hướng của thế giới. Việc một bộ phận người lao động phản đối là do có khó khăn thực sự và cũng nhiều người chưa hiểu được chính sách.
"Vì sao luật thể hiện quan điểm tiến bộ mà lại sửa? Nếu sửa thì số người hưởng trợ cấp một lần sẽ tăng lên, số người không có lương hưu tăng, làm mất đi sự đúng đắn của chính sách hưu trí và an sinh xã hội, không khuyến khích được người tham gia bảo hiểm tự nguyện. Theo tôi không nên sửa luật, Chính phủ nên có giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt cho người lao động", đại biểu Nhi nói.
Khẳng định điều 60 là nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động khi về già, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu: "Cớ gì chúng ta cứ phải chạy theo số ít? Chúng ta nên tuyên truyền cho tốt để người lao động hiểu. Nếu họ nhận tiền một lần, sau này không có nữa, về già không có lương lại trở nên nghèo khổ, không đảm bảo cuộc sống, lúc đấy biết kêu ai".
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng Luật Bảo hiểm xã hội đã thể chế hóa được quan điểm của Hiến pháp; quá trình thẩm tra, xem xét, lấy ý kiến hoàn toàn đúng quy trình. "Làm luật vì mục đích an sinh cho người lao động. Nhưng nếu người lao động chưa chấp thuận thì phải điều chỉnh", ông Lợi nói và cho hay 28/36 ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội đồng tình sửa nhưng chỉ áp dụng với những lao động có điều kiện khó khăn.
Từ góc độ từng quản lý hàng chục nghìn lao động khi làm công trình thủy điện Sông Đà, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng chia sẻ, khi công trình thủy điện kết thúc, hàng chục nghìn lao động được hưởng chính sách một lần theo quyết định 176. Vì số tiền quá ít, không đủ làm gì, cuộc sống của họ dai dẳng khó khăn đến tận bây giờ.
Theo ông Thăng nên sửa điều 60 nhưng phải tuyên truyền để người lao động hiểu luật này là vì lợi ích lâu dài của người dân, chứ không phải sửa luật vì làm luật chưa thấu đáo.
Từ ngày 26/3, công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (100% vốn Đài Loan), có trụ sở tại quận Bình Tân, TP HCM, và một số doanh nghiệp ở Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, đã ngừng việc tập thể phản đối quy định tại điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 (được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2014 và có hiệu lực từ 1/1/2016). Theo điều 60, người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian chấm dứt hợp đồng, người lao động được hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, tư vấn việc làm... Đến khi người lao động trở lại làm việc, thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được cộng dồn, tích luỹ đủ để đến tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu theo quy định. Lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã đối thoại với công nhân, cam kết đề nghị Chính phủ, Quốc hội sửa điều 60 theo hướng linh hoạt, cho phép lao động được hưởng bảo hiểm xã hội một lần sau khi nghỉ việc. |
Hoàng Thuỳ