Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, bổ sung có 11 chương, 126 điều, so với Hiến pháp năm 1992, giảm một chương, 21 điều. Trong đó 18 điều giữ nguyên, 95 điều sửa đổi và bổ sung 13 điều mới. Theo đó, Chủ tịch nước là thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh; quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng, đô đốc, phó đô đốc, chuẩn đô đốc hải quân; bổ nhiệm Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Chủ tịch nước có quyền tham dự các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.
Tại buổi thảo luận tại tổ sáng nay, đại biểu Nguyễn Bắc Son đã ôn lại định chế Chủ tịch nước, được quy định trong Hiến pháp năm 1946 là đứng đầu Chính phủ, là Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc. Do đó, Hiến pháp sửa đổi lần này trao cho Chủ tịch nước một số quyền, trong đó phong hàm cấp tướng là đúng. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, "cần tăng quyền hạn cho Chủ tịch nước, để tăng kiểm soát quyền lực của các cơ quan".
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: "Tăng quyền lực cho Chủ tịch nước là rất cần thiết". Ảnh: Đoàn Loan |
Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền, Chủ tịch nước có vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang nên có trách nhiệm bổ nhiệm tướng. Hiến pháp cần quy định rõ đối với hiệp ước loại nào thì Chủ tịch nước phê chuẩn, Quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các thiết chế quyền lực khác hiện nay được quy định rất mờ nhạt nên cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Theo ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp, Hiến pháp sửa đổi cần nêu rõ Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chủ động đề xuất thực hiện các chính sách của pháp luật. Tòa án là cơ quan xét xử thực hành quyền tư pháp. Viện kiểm sát, cơ quan điều tra, thi hành án là cơ quan phục vụ quyền tư pháp. Ông Thảo nhận xét, trong phòng họp Chính phủ hiện chỉ có chỗ chủ tọa là Thủ tướng. Hiến pháp sửa đổi sẽ khắc phục nội dung này, Chủ tịch nước có quyền tham dự và chủ tọa một số phiên họp do Chính phủ triệu tập.
Đại biểu Bùi Thị An lại cho rằng cần tăng quyền cho Quốc hội bởi Quốc hội có quyền lực lớn, quyết định những vấn đề quan trọng và giám sát tối cao, nhưng thực quyền chưa nhiều. "Cần làm rõ trách nhiệm giữa bộ máy Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ. Tam quyền nhưng cần phân rõ trách nhiệm của từng bộ máy. Thời gian qua, do phân quyền đôi khi không rõ ràng nên khi có việc xảy ra chỉ nhận trách nhiệm chung chung", đại biểu Bùi Thị An bày tỏ.
Nhận xét về mô hình chính quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, việc thay thuật ngữ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân bằng chính quyền địa phương là không phù hợp, bởi nhà nước Việt Nam là đơn nhất nên việc hệ thống chính trị có sự thống nhất.
Đề xuất xóa bỏ mô hình Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nhận xét, mô hình Hội đồng nhân dân hiện chỉ xuất hiện ở rất ít nước còn phần lớn chỉ đến cấp tỉnh. Đây là thời điểm xem xét lại bộ máy nhà nước. Với quy định cũ thì sẽ không phát huy được vai trò của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, thà ít, gọn có chất lượng thì sẽ phát huy được hiệu quả.
"Hiện nay Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực ở địa phương, vô hình chung sẽ phân quyền ở trung ương và địa phương. Điều này khiến công tác điều hành không thống nhất, ví dụ Thủ tướng chỉ đạo song bên dưới không thực hiện. Nếu cởi bỏ được vấn đề này thì nền hành chính thống nhất, điều hành sẽ thuận lợi hơn", đại biểu Khánh nhận xét.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và thông qua nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo này. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp sẽ tập hợp, tổng hợp và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ năm (tháng 5/2013); sau đó hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10/2013).
Đoàn Loan