Quốc hội dành trọn hai ngày làm việc (6 và 7/11) để thảo luận về phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chống tham nhũng; giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền - Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Phú Yên, nêu thực trạng về một số biệt thự, biệt phủ của cán bộ mà báo chí đã phản ánh thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên "củi tươi, củi khô vẫn an toàn sau những ồn ào".
Bà Hiền cho biết, có cử tri đã nói rằng nên đổi tên Luật phòng, chống tham nhũng thành Luật diệt tham nhũng, bởi sự lan nhanh như virus và nguy hiểm như dịch bệnh của nó.
"Người dân vi phạm nặng hay nhẹ thì đều bị pháp luật xử lý. Trong khi, có cán bộ gây sai phạm nghiêm trọng thì điều chuyển, vẫn an toàn sau lớp vỏ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm, chịu trách nhiệm tập thể. Điều này làm cho người dân hiểu rằng việc áp dụng luật cho người dân khác với cán bộ", bà Hiền nói.
Chống tham nhũng "chưa thực sự mang tính đột phá"
Báo cáo trước Quốc hội, tân Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nói công tác phòng, chống tham nhũng “tuy tạo được sự thay đổi tích cực nhưng vẫn chưa thực sự mang tính đột phá”.
Theo ông, tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công; việc phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều.
“Một bộ phận cán bộ chính quyền còn hành động vô cảm hoặc gây tai tiếng cho bộ máy nhà nước do tham nhũng, lợi ích nhóm. Một số trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi hoặc chiếm đoạt tài sản của người dân, doanh nghiệp, trong đó có trường hợp là thanh tra giao thông, hải quan, cảnh sát, tòa án, phóng viên báo chí...”, ông Khái nói.
Trong thời gian tới, ông Khái cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền...
"Việc tặng quà diễn biến phức tạp"
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu tình trạng đáng lưu ý, là vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ tham nhũng, một số vụ có dấu hiệu tham nhũng ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra và cơ quan có chức năng phòng chống tham nhũng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đánh giá, đây là vấn đề lớn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cần đánh giá đúng và có giải pháp khắc phục.
Việc tặng quà để giải quyết công việc cũng được Uỷ ban Tư pháp đánh giá là diễn ra phức tạp, dưới nhiều hình thức, nhất là tình trạng lạm dụng phong tục truyền thống của dân tộc trong thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ, tết, hiếu, hỉ. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi phát hiện có sai phạm. Điển hình như việc tặng quà của ngân hàng Oceanbank và chi hoa hồng cho bác sỹ của công ty VN Pharma…
Hơn một triệu người kê khai tài sản, chỉ phát hiện năm trường hợp vi phạm
Ông Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, nói gần đây "xã hội nóng lên khi bàn đến vấn đề kê khai, minh bạch tài sản của cán bộ, công chức, nhất là người giữ cương vị lãnh đạo ở các vị trí nhạy cảm".
Theo báo cáo của Chính phủ, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 là hơn 1,1 triệu người, chiếm tỷ lệ 99,8% số người phải kê khai. Trong đó, 78 người được xác minh tài sản, thu nhập, và chỉ có 5 trường hợp bị phát hiện, xử lý vì có vi phạm.
"Cử tri cho rằng số lượng phát hiện kê khai không đúng, không trung thực còn quá ít so với thực trạng, qua đó cho thấy biện pháp này còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp", ông Mão nói.
Đại biểu Nghệ An cũng phản ánh, thu nhập ngoài lương, quà tặng, quà biếu, quà cảm ơn, quà lót tay chiếm tỷ lệ rất lớn trong thu nhập của nhiều cán bộ, nhưng chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài xử lý.
Ngoài ra, ông Mão nói những cán bộ có nhiều tài sản thường tìm cách tẩu tán bằng cách để người thân, họ hàng đứng tên; mua vàng, đô la, kim cương, hiện vật quý hiếm để cất giấu, tránh phiền hà.
Hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Uỷ viên thường trực Uỷ ban pháp luật, cho rằng thu hồi tài sản do tham nhũng mà có là mục tiêu chính trong đấu tranh chống loại tội phạm này. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ chỉ có một dòng nhạt nhoà “thu hồi có chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp”, và không đưa ra giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này.
Ông Hiển cho biết, theo dõi một số vụ án lớn thì số tiền thu về cho ngân sách quốc gia "còn thất vọng hơn nhiều". Như vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án, Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải bồi thường thiệt hại cho các bên liên quan gần một nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, đến 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào.
Trong vụ Vinalines, Dương Chí Dũng phải bồi thường 110 tỷ đồng, nhưng báo chí phản ánh đến nay mới thi hành được hơn 21 tỷ đồng.
Cũng theo ông Hiển, qua tổng kết 10 năm thi hành luật Phòng chống tham nhũng cho thấy, hơn 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.
"Việc thu hồi tài sản là quá nhỏ so với thiệt hại lớn mà tội phạm tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia", ông Hiển nói.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng, dù cơ quan điều tra có làm tốt đến đâu, toà án có tuyên nhiều vụ án mà không thu hồi được tài sản do tham nhũng mà có thì cũng chưa thể đánh giá là hiệu quả.
Theo nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, nguyên nhân của tình trạng trên là người phạm tội tham nhũng thường có vị trí, kiến thức nên che giấu rất tinh vi, tẩu tán tài sản, tiêu xài hoang phí...
"Trong xử lý các vụ tham nhũng, các cơ quan cần kịp thời áp dụng biện pháp cưỡng chế như kê biên, phong toả tài sản ngay từ đầu", bà Hoa nói.
Ngày mai 7/11, Quốc hội tiếp tục làm việc về nội dung trên.
Ba siêu xe bị thu hồi trong các vụ án tham nhũng Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m2 đất. Các cơ quan chức năng đã thu hồi hơn 329 tỷ đồng, 314.000 USD và 3.700 m2 đất; kê biên 5 bất động sản, một xe ô tô Lexus; một xe ôtô Audi; một xe ôtô Porche và dây chuyền trị giá 1,6 triệu USD. |