Trước việc nhiều tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 ở Bình Định bị hư hỏng, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường Trương Minh Hoàng cho biết "tôi rất bức xúc", và đề nghị xem trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
"Một phương tiện kiếm sống của người dân, trị giá đến 20 tỷ đồng là tài sản của cả dòng tộc, cả đời người và có khi cả xóm, ấp gom góp mới có được", ông nói và đặt câu hỏi liệu có hay không thực tế "vì hám lợi mà ai đó làm gian dối?".
Đại biểu này cho rằng với các hiện tượng như vỏ tàu bị gỉ sét trầm trọng, tróc sơn, máy có vấn đề, thì "không thể đổ thừa bất cứ một lý do gì cả". Theo ông, những người làm việc trong ngành đóng tàu phải biết được độ mặn của vùng biển Việt Nam, nên nếu có ai đó lý giải theo hướng do yếu tố môi trường làm vỏ tàu gỉ sét thì không thuyết phục.
"Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ trách nhiệm, nếu liên quan đến vi phạm hình sự thì xử lý nghiêm để đem lại sự công bằng cho người dân, đặc biệt những ngư dân thuộc nhóm yếu thế", ông Hoàng kiến nghị và cho biết, ông được ngư dân chia sẻ là khi ra khơi đánh bắt thì máy hỏng, may mắn là họ chưa đi quá xa bờ và riêng tiền thuê kéo tàu về đã tốn kém cả trăm triệu. "Nếu bà con đánh bắt ngoài khơi dài ngày, có sản lượng rồi mà tàu bị hư hỏng dọc đường thì tổn thất còn lớn hơn", ông cảnh báo.
Nhìn lại việc nhà nước hỗ trợ đóng tàu vỏ thép cho ngư dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học nói đây là một chủ trương lớn, với kỳ vọng giúp ngư dân bám biển và vươn xa chứ không chỉ đánh bắt ven bờ.
"Tôi rất tiếc khi triển khai một chủ trương đúng đắn và có nhiều ý nghĩa thì lại xảy ra sự việc như vậy", ông Hoàng nói và nhấn mạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần làm rõ "có yếu tố phá hoại hay không?".
Đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết, vừa qua Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường đã tổ chức đoàn khảo sát việc triển khai thực hiện chủ trương nêu trên. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cùng nhiều đại biểu đã trực tiếp đến kiểm tra ở Quảng Ngãi, Ninh Thuận..., thời điểm giám sát thì các địa phương này không xảy ra hiện tượng tàu vỏ thép hư hỏng như ở Bình Định.
"Khi chúng tôi đến Ninh Thuận, bà con phấn khởi lắm, họ nói rằng tàu vỏ sắt đóng có chất lượng, bà con thấy an tâm hơn, chi phí duy tu bảo dưỡng ít hơn", ông Hoàng cho biết và đề nghị Bộ Nông nghiệp sớm có kết luận vụ việc ở Bình Định để xử lý "đến nơi đến chốn".
Cuối tháng 5, trước nhiều bài báo phản ánh tàu cá đóng theo Nghị định 67 tại một số địa phương không đảm bảo để hoạt động thủy sản, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp làm rõ các thông tin liên quan đến hoạt động đóng mới, nâng cấp, đăng kiểm tàu cá theo Nghị định này; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm và báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/6. Bộ Nông nghiệp cũng được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới để đảm bảo chất lượng, an toàn cho tàu cá khi hoạt động thủy sản trên biển; chỉ đạo các tỉnh, thành ven biển tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67. Nghị định 67 được ban hành tháng 7/2014, quy định một số chính sách ưu đãi nhằm phát triển thủy sản, trong đó có đóng mới tàu, nâng cấp tàu (thay máy mới, gia cố bọc vỏ thép, bọc vỏ vật liệu mới…) phục vụ hoạt động khai thác hải sản. |
Võ Hải