Tại buổi thảo luận tổ vào chiều 21/5, một số đại biểu đoàn TP HCM đề xuất nên có luật về biểu tình. Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho biết, trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, nhu cầu thể hiện thái độ của người dân rất lớn. "Biểu tình là quyền được Hiến pháp ghi nhận", ông Nghĩa nêu.
Theo ông, đoàn TP HCM có 5 đại biểu đề nghị đưa dự án Luật biểu tình vào chương trình nghị sự khóa này. Nhưng trước tiên là đưa ra lấy ý kiến vào kỳ họp thứ 8 và nên được thông qua vào kỳ họp thứ 9.
Cùng quan điểm, đại biểu Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng, trong bối cảnh về tình hình Biển Đông hiện nay, người dân, đặc biệt là công nhân, sinh viên rất bức xúc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý nên đội ngũ này đặc biệt sinh viên có điều kiện để biểu hiện lòng yêu nước văn minh, trật tự. Tuy nhiên nếu tình hình căng thẳng hơn, ông e sẽ rất khó để đặt những hoạt động đó trong vòng kiểm soát.
“Phải sớm ra đời Luật biểu tình. Hiện có gần 2 triệu sinh viên, với tinh thần yêu nước của các em, nếu không có luật rất khó khăn để phân định được cái nào đúng, cái nào sai”, đại biểu Đạt nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn Bình Dương) cho hay, sáng nay khi thảo luận các đại biểu đều nói vấn đề Biển Đông không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. "Nên đưa dự thảo Luật Biểu tình vào kế hoạch làm việc trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ Quốc hội 13 này thay Luật Trưng cầu dân ý. Đây là cách hưởng ứng thiết thực của Quốc hội trong giải quyết vấn đề ở biển Đông", đại biểu này nói.
Tại đoàn Hà Nội, bà Bùi Thị An đặt vấn đề: "Chúng ta phải làm gì để bảo vệ chủ quyền có hiệu quả mà cần có tiến trình không dài quá". Đề xuất của bà là Quốc hội nên ra nghị Quyết về Biển Đông.
"Theo tôi, các đại biểu sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về quyết sách và giải pháp cụ thể thế nào, thậm chí cả nội dung hội đàm với Trung Quốc để đại biểu nắm được, từ đó giải quyết các vấn đề về mặt chủ trương. Sau đó mới đưa ra quyết sách rất cao trong việc bảo vệ đất nước", bà nói.
Bà An cho rằng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, tại Hoàng Sa, nhiều ngư dân cùng với lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển cản phá tàu của Trung Quốc thâm nhập trái phép. "Tôi đánh giá rất cao những cán bộ này vì đã không quản ngại thậm chí sẵn sàng hy sinh tính mạng. Với tư cách đại biểu Quốc hội, tôi kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ đặc biệt về kinh tế, trang thiết bị, làm tất cả những gì có thể để bảo vệ họ", bà An nêu quan điểm.
Phương Lan Hiếu