Chiều 13/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá cho rằng, nếu Luật chỉ quy định người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai phần của mình, của vợ hoặc chồng và con chưa thành niên thì không chặt chẽ. "Đây sẽ là mảnh đất màu mỡ, là khoảng trống cho những hành vi đối phó của tội phạm tham nhũng", ông nói.
Theo đại biểu, có một thực tế là quan chức có vợ hoặc chồng, con thành niên là chủ doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó luôn làm ăn có lãi. Sự giàu có của gia đình này khiến mọi người trầm trồ như đất đai, biệt thự, xe sang, con đi du học nước ngoài, "đều được kê khai từ nguồn doanh nghiệp, còn thu nhập của người có chức vụ quyền hạn thì rất khiêm tốn".
"Truyền thống người Việt Nam là làm mọi việc vì con, vì gia đình. Tiền, tài sản của mình cũng là của con. Tuy chưa có số liệu thống kê bao nhiêu quan chức mà vợ hoặc chồng, con thành niên là chủ doanh nghiệp; chưa có một báo cáo nào về việc kiểm tra, thanh tra liên quan đến việc rửa tiền như trên nhưng nó đang là dấu hỏi lớn trong cử tri", ông Diến nêu bức xúc.
Ông cho rằng, không loại trừ một số người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng vị trí của mình để làm những việc có lợi cho doanh nghiệp gia đình; sử dụng trụ sở làm việc, phương tiện của nhà nước, thời gian thực hiện công vụ để điều hành hoạt động doanh nghiệp mà cơ quan chức năng không dễ dàng xem xét, kết luận vi phạm. Do vậy, đại biểu đề nghị trong Luật phải thiết kế một điều để kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn mà vợ, chồng, con làm chủ doanh nghiệp.
Cùng mạch ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu những sự việc mà báo chí từng phản ánh như, "có cô gái 19 tuổi đã sở hữu biệt phủ xây trên đất hàng nghìn m2; có những người chỉ là trưởng, phó phòng nhưng đã xây toà nhà to khiến dư luận xôn xao".
Theo ông Trí, trong các trường hợp trên, dư luận bức xúc nhưng cơ quan chức năng "không làm gì được vì con thành niên (từ 18 tuổi trở lên) thì không phải kê khai tài sản, thu nhập, ở đây không có điều luật quy định nên chúng ta đã thua về lý".
Đại biểu này đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định theo hướng, khi có dư luận về một "khối tài sản khủng" nào đó nghi do tham nhũng mà có, nhà chức trách được quyền yêu cầu con thành niên của cán bộ liên quan phải kê khai tài sản. "Lò đã đỏ lửa, nhưng có nóng bao nhiêu mà Luật vẫn còn lỗ hổng thì không dễ lấy được củi tham nhũng để cho vào lò", ông Trí nói.
Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng đề cập đến thực tế, trong nhiều trường hợp, tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân như bố, mẹ, anh, chị, em, con, cháu ruột thịt đứng tên, đến khi cán bộ về hưu thì mới gom lại và hợp thức hóa. "Tôi đề nghị quy định theo hướng, khi cơ quan chức năng xử lý các vụ tham nhũng thì những người trong gia đình như vừa nêu phải nằm trong diện chứng minh nguồn gốc tài sản", ông nói.
Để bổ sung cho phát biểu của mình, trên nghị trường, đại biểu Hạ kể câu chuyện, "một ông bố nghèo ở quê có 2 con làm quan lớn, trước khi từ trần ông mời luật sư và các con đến dặn rằng bố để cho mỗi đưa 500 cây vàng. Các con rất ngạc nhiên, hỏi tại sao bố nghèo mà lại có khoản tiền đó? Ông bố giải thích là làm gì có cây vàng nào, chỉ viết giấy như vậy đề phòng các con phát sinh tài sản khi kê khai thì thuận tiện trong chứng minh nguồn gốc".
Trước lo lắng của đại biểu Hạ, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giải thích, việc thừa kế cũng như tặng cho đã được pháp luật dân sự quy định rất chặt chẽ, có trình tự, thủ tục, có cơ quan chứng thực chứng nhận việc này. "Không phải bằng một tờ giấy viết tay như vậy, sau này cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập coi đó là tài sản hợp pháp", ông Lưu nhấn mạnh.
Băn khoăn việc áp dụng Luật với khu vực tư
Một nội dung mới của dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.
Dự thảo Luật cũng điều chỉnh cả các tổ chức xã hội do Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.
Giải trình về nội dung trên, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, trên thế giới tùy theo điều kiện cụ thể của mỗi nước mà quy định về biện pháp áp dụng, mức độ ràng buộc và cơ chế phát hiện, xử lý vi phạm đối với khu vực ngoài nhà nước.
Với khu vực tư nhân của Việt Nam, dự thảo Luật chỉ quy định việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa như minh bạch hoá; kiểm soát xung đột lợi ích; trách nhiệm của người đứng đầu; việc kê khai và kiểm soát tài sản cũng như quy tắc ứng xử. Những quy định đó chỉ áp dụng với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và các tổ chức xã hội thường xuyên huy động các nguồn lực do nhân dân đóng góp để làm từ thiện; không quy định hết tất cả các giải pháp phòng ngừa cũng như không áp dụng hết với tất cả các đơn vị ngoài khu vực nhà nước.
Tuy nhiên, qua thảo luận cho thấy còn có ý kiến băn khoăn về việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật như nêu trên, do vậy, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn thiện dự án Luật để phù hợp với yêu cầu của phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay.
Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét ở kỳ họp cuối năm.
Võ Hải - Bảo Hà